TP Hồ Chí Minh trình đề án hoàn thành 7 tuyến metro dài 355 km trong 10 năm

PV-Thứ tư, ngày 11/12/2024 10:39 GMT+7

TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu hoàn thành 355 km metro vào năm 2035 và 510 km vào năm 2045. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

VTV.vn - Đến năm 2035, TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng hoàn chỉnh 7 tuyến Metro với tổng mức đầu tư khoảng 40,2 tỷ USD.

Ngày 10/12, UBND TP Hồ Chí Minh đã trình HĐND Thành phố các nội dung đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đề án đặt mục tiêu chung phát triển đường sắt đô thị hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, cùng với đó là hình thành phương thức vận tải văn minh, hiện đại, góp phần tái cấu trúc hệ thống giao thông công cộng, xây dựng văn hóa giao thông, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường; hướng tới đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế vào năm 2045; phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2035 đảm nhận 30 - 40%, đến năm 2045 đảm nhận 40 - 50% và sau năm 2045 đảm nhận 50 - 60%.

Đến năm 2035, thành phố sẽ xây dựng hoàn chỉnh 7 tuyến đường sắt đô thị (từ tuyến số 1 đến tuyến số 7) với chiều dài khoảng 355 km; bảo đảm vận tải hành khách công cộng đạt 40 - 50% nhu cầu đi lại của người dân.

Đến năm 2045, TP Hồ Chí Minh xây dựng hoàn thành thêm 155 km (hoàn chỉnh tuyến số 8 đến tuyến số 10), nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị lên khoảng 510 km.

Trên cơ sở quy mô đầu tư, tiêu chuẩn, công nghệ dự kiến lựa chọn, suất vốn đầu tư, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các chi phí khác liên quan, đề án xác định sơ bộ tổng mức đầu tư 7 tuyến đường sắt đô thị đến năm 2035 khoảng 40,2 tỷ USD.

Việc nâng quy mô đầu tư, rút ngắn thời gian hoàn thiện mạng lưới nhằm giải quyết được các bất cập về giao thông đô thị, yêu cầu phát triển thành phố hiện đại văn minh trong tương lai. Đây cũng là tầm nhìn chiến lược với cách nghĩ và cách làm mới mà trung ương đã định hướng trong thời gian qua.

Để thực hiện thành công và sớm hoàn thành mục tiêu, đề án đề xuất tổng cộng 43 cơ chế chính sách đột phá. Trong đó bao gồm 32 cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, 13 cơ chế thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ.

Sau khi được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương triển khai đề án, TP Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, TP Hà Nội và các bộ ngành tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách đặc thù trình Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết để tổ chức thực hiện.

Để đầu tư các dự án trong đề án, TP Hồ Chí Minh xác định đầu tư công có vai trò chủ đạo. Trong quá trình triển khai, TP sẽ tiếp tục nghiên cứu kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng các tuyến metro có tiềm năng thương mại.

Với nguồn vốn ngân sách, thành phố sẽ huy động từ kế hoạch vốn trung hạn, nguồn vượt thu, nguồn từ khai thác quỹ đất (TOD), phát hành trái phiếu chính quyền địa phương. Bên cạnh đó là huy động vốn vay, huy động từ hợp đồng BT (trả bằng ngân sách hoặc quỹ đất), vốn ngân sách trung ương hỗ trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác.

TP Hồ Chí Minh làm Metro Bến Thành - Tham Lương bằng vốn ngân sách TP Hồ Chí Minh làm Metro Bến Thành - Tham Lương bằng vốn ngân sách

VTV.vn - TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai tuyến Metro số 2, đoạn Bến Thành - Tham Lương, dài hơn 11 km bằng ngân sách thành phố thay vì vốn ODA như kế hoạch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước