Phối cảnh dự án Vành đai 4.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã ký ban hành văn bản số 7515/TTr-UBND, trong đó cho biết sau thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, rà soát, lập báo cáo đánh giá tổng thể chung cho các dự án thành phần, TP Hồ Chí Minh đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng chung cho toàn bộ tuyến Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh.
Trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hồ Chí Minh nhận định Vành đai 4 là "Siêu dự án" với mục tiêu tạo ra trục giao thông chiến lược kết nối Đông Nam Bộ - Tây Nam Bộ và Tây nguyên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Dự án Vành đai 4, với tổng chiều dài gần 207 km và mức đầu tư ước tính hơn 128.000 tỷ đồng, được thiết kế với 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp và dải phân cách giữa hai chiều, nhằm phục vụ một kết nối giao thông xuyên suốt giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận. Cụ thể, đoạn qua TP Hồ Chí Minh dài khoảng 17,8 km, Bình Dương 47,5 km, Đồng Nai 45,6 km, Bà Rịa - Vũng Tàu 18 km và Long An hơn 78 km.
Theo dự kiến, các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch 8 làn.
Sau khi chủ trương dự án được thông qua, các địa phương sẽ chủ động lựa chọn nhà thầu đầu tư trong năm 2025 và triển khai các công đoạn tiếp theo trong năm 2025-2026 trước khi khởi công xây dựng từ quý III 2026 và hoàn thành vào năm 2028.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!