TP Hồ Chí Minh vẫn còn 36.000 liều Molnupiravir miễn phí

P.V (t/h)-Thứ hai, ngày 28/02/2022 20:41 GMT+7

VTV.vn - Sở Y tế TP Hồ Chí Minh yêu cầu y tế địa phương cấp phát thuốc này cho những người đủ điều kiện sử dụng, không chỉ ưu tiên cho nhóm nguy cơ.

Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn 36.000 liều Molnupiravir miễn phí. Trong sáng 28/2, Sở Y tế đã có yêu cầu y tế địa phương cấp phát thuốc này cho những người đủ điều kiện sử dụng, không chỉ ưu tiên cho nhóm đối tượng nguy cơ. Đây là thông tin nổi bật được bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra tại buổi họp định kỳ về phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh ngày 28/2.

Trước phản ánh nhiều người dân cho rằng khó mua thuốc Molnupiravir, theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Sở Y tế đã có văn bản đề xuất với Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng và kinh doanh thuốc Molnupiravir.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, việc sử dụng thuốc này trong tương lai còn có nhiều vấn đề cần bàn đến. Ví dụ, đây là thuốc phải kê toa bởi bác sỹ có chứng chỉ hành nghề hay những người được phép kê toa theo hướng dẫn của pháp luật. Bên cạnh đó, để kê toa, người bệnh cần được xác định là F0 bằng xét nghiệm khẳng định theo quy định của Bộ Y tế.

Thông tin về tình hình bán thuốc Molnupiravir tại các nhà thuốc, theo ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, thuốc đã có tại các nhà thuốc nhưng việc bán chưa phù hợp với Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Ông Phạm Đức Hải giải thích thêm, theo Điều 3 của Luật này, bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus và các bệnh truyền nhiễm có khả năng lan truyền nhanh nhưng chưa rõ tác nhân gây bệnh thì thuộc nhóm A. Theo đó, người mắc bệnh dịch thuộc nhóm này được khám và điều trị miễn phí. 

Vì vậy, trong tình trạng hiện nay, ông Phạm Đức Hải đề nghị, các bệnh nhân mắc COVID-19 nên đến trạm Y tế để khai báo, bởi có nhiều lợi ích như được quản lý, chăm sóc, theo dõi đúng theo quy định và không phải ai là F0 cũng cần sử dụng gói thuốc B hay thuốc C (thuốc kháng virus Molnupiravir). Trong thực tiễn, sau khi bác sỹ thăm khám có rất nhiều bệnh nhân không nhất thiết phải kê và sử dụng gói C. Ông Phạm Đức Hải cũng kiến nghị các nhà thuốc hãy chờ hướng dẫn đầy đủ của Bộ Y tế.

Liên quan đến tình trạng F0 tại cơ sở giáo dục gia tăng, theo ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng Phòng công tác Chính trị và Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, các trường học cần chuyển đổi linh hoạt giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến. Do đó, các cơ sở giáo dục cần duy trì song song hai hình thức học tập để đảm bảo yêu cầu chuyên môn. 

Đối với những lớp có 2 ca F0 trở lên, Sở Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn cơ sở giáo dục phối hợp ngành y tế địa phương đánh giá yếu tố dịch tễ. Từ kết quả đánh giá, nhà trường sẽ cân nhắc chuyển đổi hình thức học tập phù hợp. Đối với trường học có 2 lớp ghi nhận 2 ca F0 trở lên, ngành y tế, ngành giáo dục cũng tiếp tục căn cứ yếu tố dịch tễ để quyết định hình thức học tập tiếp theo. 

"Việc điều chỉnh hình thức dạy học khi phát hiện F0 không đồng nghĩa là chuyển qua trực tuyến ngay mà có thể tiết chế thời gian học, hoạt động của lớp học. Việc chuyển qua trực tuyến là phương án cuối cùng để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, ngăn chặn lây lan", ông Trịnh Duy Trọng nhấn mạnh.

Giải đáp thắc mắc của nhiều phụ huynh về việc sau điều trị, trẻ cần những giấy tờ gì để quay lại trường học, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, khi có con em trở thành F0, phụ huynh có thể cho các em nhập viện nếu có triệu chứng nặng hoặc trung bình. Trẻ có triệu chứng nhẹ có thể chăm sóc, điều trị tại nhà. 

"Đối với các em phải nhập viện, khi xuất viện sẽ có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính. Còn các trẻ điều trị tại nhà, phụ huynh cần báo ngay cho trạm y tế địa phương để thực hiện xét nghiệm vào ngày 5 và ngày 7, cấp giấy xác nhận sau thời gian cách ly hoặc điều trị. Đó là những điều kiện để các em quay lại trường", đại diện Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh thông tin. 

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 13/2 đến 26/2, thành phố ghi nhận 505 ca mắc COVID-19 trong độ tuổi từ 0 đến 6 tuổi; 1.055 ca trong độ tuổi từ 7-11 tuổi; 587 ca trong độ tuổi 12-15 tuổi và 512 ca trong độ tuổi 16-18 tuổi. Hiện, thành phố có 197 trẻ mắc COVID-19 cần điều trị nội trú, 6 ca cần thở bằng mặt nạ oxy, 3 trẻ cần thở máy.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước