Ảnh minh họa.
Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh vừa có báo cáo kết quả thực hiện Đề án "Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn TP giai đoạn 2020 - 2030" năm 2024.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, trong năm 2024, Sở đã cấp 30 giấy phép đủ điều kiện hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường trên địa bàn TP. Cùng với đó, đã chỉ đạo thường xuyên phối hợp với phòng văn hóa và thông tin các quận, huyện và TP Thủ Đức thực hiện thẩm định và rà soát các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường trên địa bàn TP, kết hợp tuyên truyền đến các cơ sở kinh doanh karaoke, nhà hàng... chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, đồng thời xử lý đúng quy định khi các cơ sở kinh doanh lợi dụng các hoạt động kinh doanh để tổ chức hoạt động mua bán và sử dụng ma túy dưới mọi hình thức.
Trong năm 2024, đoàn Kiểm tra chuyên ngành Văn hóa đã kiểm tra 58 cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn TP, đạt tỷ lệ 223,08% kế hoạch năm 2024 đề ra (trong đó, có 1 cơ sở liên quan khiêu dâm, kích dục); ban hành 33 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt 1,070 tỷ đồng và đoàn Kiểm tra Liên ngành Văn hóa - Xã hội TP (đoàn 1) đã kiểm tra 73 cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa - xã hội tiềm ẩn tệ nạn xã hội về ma túy, cờ bạc, mại dâm, khiêu dâm, kích dục (nhà hàng, quán bar, beer club, karaoke, khách sạn, massage...) trên địa bàn TP, đạt tỷ lệ 104,29% kế hoạch năm 2024 đề ra (trong đó, có 19 cơ sở liên quan khiêu dâm, kích dục); ban hành 48 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt 2,792 tỷ đồng.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các nội dung lồng ghép vào phong trào bằng các cuộc vận động, bằng công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm tuy có thực hiện nhưng chưa đạt hiệu quả cao.
Một số quy định của pháp luật về sử dụng shisha, bóng cười (khí N2O) chưa đủ mạnh, vẫn đang còn sử dụng trong hoạt động kinh doanh dịch vụ dẫn đến kiểm tra, xử lý còn hạn chế. Công tác kiểm tra hành chính của lực lượng kiểm tra chuyên ngành, liên ngành khó phát hiện xử lý các hành vi về ma túy, cờ bạc, mại dâm; việc tổ chức cưỡng chế các tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính đóng phạt theo quy định còn hạn chế.
Vì vậy, TP Hồ Chí Minh kiến nghị các đơn vị củng cố và tăng cường hơn nữa sức mạnh, hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm tra phường, xã; có quan tâm, hỗ trợ đúng mực về nghiệp vụ, về lực lượng, kinh phí; có sự phối hợp hỗ trợ giữa lực lượng kiểm tra, thanh tra từ TP Hồ Chí Minh đến TP Thủ Đức và quận, huyện, phường, xã để phòng ngừa vi phạm về tệ nạn xã hội.
Cơ quan chức năng có thẩm quyền cần có quy định thực hiện về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!