Mới đây, Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Gây rối trật tự công cộng", "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức"; ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét chỗ ở và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Thị Ngọc Trinh hay còn được biết đến là người mẫu Ngọc Trinh. Đây là lời cảnh báo rất rõ ràng về trách nhiệm của người nổi tiếng khi ứng xử trên mạng xã hội và tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Trần Thị Ngọc Trinh hay còn được biết đến là người mẫu Ngọc Trinh đã vừa bị công an TP.Hồ Chí Minh khởi tố, bắt tạm giam. Theo luật sư, quyết định này có tính răn đe rất lớn đối với toàn xã hội nói chung và với những người nổi tiếng nói riêng.
Luật sư Đặng Xuân Cường, Trưởng Ban Hình sự, Công ty luật Trương Anh Tú, nói: "Tôi cho rằng việc khởi tố bắt tạm giam cô gái này là hậu quả của một chuỗi các hành vi mà cô gái này đã thực hiện, khởi điểm là vi phạm luật giao thông đường bộ, đăng tải video gây rối trật tự lên mạng xã hội. Đối tượng đã có hành vi vi phạm nhưng không gỡ bỏ nội dung tiếp tục đánh giá về ý thức. Đây có thể là tình tiết tăng nặng".
Những màn biểu diễn xe mô tô đều được cô gái này quay phim và biên tập để đăng lên các MXH, đặc biệt trên tài khoản tiktok có tới 6.8 triệu người theo dõi. Việc lan truyền những nội dung tiêu cực như thế này dẫn đến nhiều lo ngại về văn hóa người dùng trên không gian mạng.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nói: "Nếu mà trước kia chúng ta thấy rằng người nổi tiếng bằng đóng góp của mình, bằng năng lượng tích cực và được xã hội nói chung thừa nhận. Nhưng bối cảnh ngày hôm nay, những phát ngôn gây sốc hay những hành động phản cảm nhưng nhận được sự quan tâm nhiều, khiến cho nhiều người trở nên nổi tiếng. Đặc biệt là giới trẻ, tiếp xúc nhiều điều tiêu cực thì ảnh hưởng rất nhiều đến nhân cách, sự trưởng thành và tương lai của chính họ".
Cũng theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn, để giải quyết thực trạng này, bên cạnh việc điều chỉnh hệ thống pháp luật cho phù hợp với thời đại, bổ sung thêm công cụ để bao quát tốt hơn những sai phạm, yếu tố con người là vô cùng quan trọng.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn nhận định: "Chúng ta có xã hội số, kinh tế số, văn hóa số thì cần có những con người quản lý các lĩnh vực đó. Thêm vào đó, nếu chúng ta chỉ cần báo xấu, thông báo đến các cơ quan chức năng, đến các trang mạng xã hội thì rõ ràng mỗi thái độ tích cực của một người, mỗi một hạt giống thiện lành của mỗi người ở trên không gian mạng sẽ tạo ra môi trường rất là tốt để chúng ta phát triển văn hóa, con người và phát triển bền vững đất nước".
Thời gian gần đây, có nhiều người nổi tiếng đã bị nhắc nhở và xử lý nghiêm khi có sai phạm trên mạng xã hội. Dù chưa hạn chế được triệt để, nhưng rõ ràng, những sự răn đe kịp thời sẽ là lời cảnh báo để bất cứ ai cũng cần có ý thức thượng tôn pháp luật, dù ở đời thực hay trên không gian mạng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!