Chỉ trong hơn một tuần trở lại đây, đã có tới 3 vụ việc đau lòng như vậy xảy ra.
Ngày 9/11, nhiều người dân sinh sống ở chung cư Hoàng Anh Thanh Bình, quận 7, TP.HCM kinh hoàng phát hiện : một phụ nữ tử vong, đầu lìa khỏi cơ thể. Cơ quan công an xác định người phụ nữ này 33 tuổi, có tiền sử bệnh trầm cảm.
Chưa đầy 1 tuần sau, tại chung cư Sunview, quận Thủ Đức, một phụ nữ rơi từ tầng 18 xuống đất, tử vong tại chỗ. Cơ quan điều tra tìm phát hiện trên bàn làm việc của người nhiều giấy tờ, sổ khám bệnh ở bệnh viện Tâm Thần.
Và một sự việc vô cùng đau xót vừa mới xảy ra ngày 18/11. Một bé trai 9 tháng tuổi tử vong do bị mẹ đẻ dìm vào xô nước. Người mẹ mắc bệnh trầm cảm nặng suốt 2 năm qua và vừa trở về sau đợt điều trị tại TP.HCM.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, từ nội sinh cho tới các tác động bên ngoài. Phổ biến có thể là trầm cảm sau sinh, sau biến cố, hay vì áp lực cuộc sống. Những người ở thành thị, với gánh nặng kinh tế, môi trường sống tiêu cực càng có nguy cơ cao bị trầm cảm. Nhưng bây giờ, ngay cả ở nông thôn - nơi vốn được coi là có cuộc sống yên bình, không xô bồ, cũng có rất nhiều thứ khiến người ta bị trầm cảm. Đó là định kiến giới, những mối lo gia đình, con cái.
Một nghiên cứu của Viện Tâm Lý học thuộc viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam tại khu vực nông thôn 4 tỉnh Quảng Ninh, Đồng Nai, Quảng Ngãi và Thanh Hóa ở độ tuổi từ 30 -50 cho thấy, 5% phụ nữ Việt Nam bị trầm cảm.
Trầm cảm do nhiều nguyên nhân khác nhau, cơ chế bệnh sinh không rõ ràng nên gọi là "rối loạn trầm cảm".
Trầm cảm là một trong các nguyên nhân chính dẫn tới việc tự tử. theo dự báo của WHO, đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh xếp thứ hai trong số những căn bệnh phổ biến toàn cầu với 121 triệu người mắc bệnh. Tại Việt Nam ước tính có khoảng 3,6 triệu người mắc căn bệnh này, chiếm 4% dân số.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!