"Phòng" còn hơn "Chống" - tâm lý này được người dân nêu cao trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Việc làm này rất tốt để phòng ngừa dịch bệnh nhưng cũng có không ít người còn tìm mua thuốc điều trị COVID-19 để cất trong nhà. Nếu là thuốc được bác sĩ chỉ định, có nguồn gốc rõ ràng thì không nói, nhưng nhiều người lại tìm mua hàng xách tay, chẳng cần nguồn gốc xuất xứ. Đây là kẽ hở để những đối tượng buôn bán hàng lậu đưa thuốc xách tay về Việt Nam nhằm trục lợi.
Những hộp thuốc của bà Thịnh được bạn bè mua tại hiệu thuốc ở Nga gửi về. Khi biết ở Nga những bệnh nhân COVID-19 được điều trị bằng loại thuốc giúp khỏi bệnh nhanh chóng, bà đã nhờ bạn bè mua hộ. Không chỉ mua cho mình, bà còn đem chia cho những người thân trong gia đình tích trữ để phòng khi cần dùng đến.
Thuốc không rõ nguồn gốc tràn lan trên mạng xã hội
Nắm bắt được tâm lý của đa số người dân cũng giống như bà Thịnh, nhiều trang Facebook đã rao bán loại thuốc chữa COVID-19. Thậm chí có nơi còn bán cả đơn thuốc theo họ quảng cáo là do các bác sĩ Nga kê dùng điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở bên Nga, trong đó có đủ loại thuốc kháng sinh, kháng virus, thuốc chống đông máu.
Nguy hiểm hơn, có người vẫn bán dù biết loại thuốc đó chưa được một cơ quan nào kiểm nghiệm chất lượng, chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Đến tên gọi của thuốc nhiều người còn không đọc được.
Theo lời của người bán, loại thuốc liên tục cháy hàng, lượng đặt mua rất đông. Liệu người dân có đang quá tin tưởng vào công dụng của loại thuốc này hay không, dù giá của nó là 3-4 triệu đồng/hộp - một mức giá không hề rẻ.
Cùng với tâm lý sính ngoại, hàng xách tay đặc biệt là thuốc tân dược đang ngày càng bán phổ biến trên các trang mạng xã hội. Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, người dân cần tỉnh táo khi quyết định mua và sử dụng một loại thuốc nào đó, đặc biệt là thuốc cần có kê đơn của bác sĩ.
Chỉ trong 3 ngày, Công an TP Hà Nội đã liên tục phát hiện và bắt giữ hơn 34.500 viên thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Vào ngày 3/9, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Cục quản lý thị trường Hà Nội phát hiện và thu giữ gần 500 hộp thuốc điều trị COVID-19 khi đang trên đường vận chuyển. Thông tin trên nhãn mác cho thấy, số thuốc có xuất xứ từ nước ngoài nhưng chủ hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ, đồng thời không có thông tin đơn vị nhập khẩu và không có số đăng ký lưu hành của Bộ Y tế.
Theo thông tin rao bán của chủ hàng, có 2 loại thuốc điều trị COVID-19 bị thu giữ chuyên sử dụng để điều trị cho bệnh nhân F0. Trong đó, có loại dành cho người già. Người bán luôn khẳng định là thuốc xách tay từ Nga. Nhưng hiện Bộ Y tế chưa cấp phép lưu hành cho 2 loại thuốc kể trên.
Trước đó 1 ngày, cơ quan chức năng đã thu giữ hơn 200 hộp thuốc điều trị COVID-19 khi đang vận chuyển hàng đi tiêu thụ tại địa bàn huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Như vậy, chỉ trong 3 ngày Công an TP Hà Nội đã phát hiện và phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ hơn 34.500 viên thuốc điều trị COVID-19 do nước ngoài sản xuất (trị giá trên 2 tỉ đồng), không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Một điểm chung trong các vụ bắt giữ, mặt hàng thuốc vi phạm đều là các loại thuốc điều trị COVID-19 được quảng cáo hàng xách tay từ Nga. Để giao dịch trót lọt, các chủ hàng thường rao bán trên các trang mạng, hội nhóm giao dịch kín, khi có khách đặt mới giao hàng, gây không ít khó khăn cho công tác điều tra trinh sát của cơ quan công an.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!