Tràn lan xe đạp giả nhãn mác trên thị trường

Phương Thúy, Trần Hằng, Chí Hiếu-Chủ nhật, ngày 30/04/2023 12:28 GMT+7

VTV.vn - Nhiều kẻ xấu đã đưa những chiếc xe lắp ráp thô sơ rồi gắn thương hiệu nổi tiếng để dễ tiêu thụ, trục lợi.

Tại nhiều cửa hàng bán xe đạp ở thành phố Thanh Hóa, sản phẩm xe đạp Thống Nhất được bày bán rất nhiều nhưng có phải xe chính hãng hay không thì chỉ chủ cửa hàng mới biết, bởi từ kiểu dáng đến tem mác đều khiến người mua hiểu rằng đó là xe đạp của nhà máy Thống Nhất.

Khi được hỏi về xe Thống Nhất, người bán hàng cho biết đây là loại xe liên doanh, được lắp ráp ở Thanh Hóa và quan trọng, muốn dán nhãn gì cũng được.

Ngay sau khi biết thương hiệu của mình bị xâm phạm sở hữu trí tuệ, đại diện hãng xe đạp Thống Nhất đã gửi công văn yêu cầu những đơn vị vi phạm ngừng sản xuất loại xe vi phạm kiểu dáng công nghiệp và nhãn mác của mình. Tuy nhiên, loại xe này vẫn được chào bán công khai.

Một chiếc xe đạp để đưa ra thị trường phải trải qua các công đoạn sản xuất và kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn đã đăng ký với tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Việc sử dụng nhãn mác giả không chỉ ảnh hưởng đến uy tín cũng như doanh thu của các đơn vị kinh doanh chân chính mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng bởi với những phụ tùng kém chất lượng, việc gãy khung xe hay gãy cổ phốt trong quá trình tham gia giao thông là hoàn toàn có thể xảy ra.

Tăng cường kiểm soát hàng giả hàng nhái

Không chỉ có xe đạp, thời gian qua lực lượng chức năng đã phát hiện bắt giữ không ít những vụ phụ tùng ô tô xe máy và thậm chí là xe đạp điện giả nhãn hiệu nổi tiếng. Không chỉ diễn ra phổ biến ở việc nhái thương hiệu mà còn là vi phạm kiểu dáng công nghiệp.

Với mục đích trục lợi, các đơn vị sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã lợi dụng tên tuổi và sự đầu tư sẵn có của các nhà sản xuất khác để tiêu thụ các sản phẩm làm giả, làm nhái của mình.

Vừa qua, Đội Quản lý thị trường TP Thuận An, tỉnh Bình Dương cùng các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý chủ cơ sở sản xuất xe đạp điện giả nhãn mác trên địa bàn phường Lái Thiêu. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện 6 nhân công đang lắp ráp hoàn chỉnh gần 80 xe đạp điện chuẩn bị đem đi tiêu thụ. Cũng qua kiểm tra, hàng ngàn phụ tùng, linh kiện dùng để sản xuất xe đạp điện giả nhãn hiệu Honda và hãng Asama bị phát hiện.

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng QLTT qua kiểm tra tại chợ Tân Thành, cũng đã phát hiện các cửa hàng kinh doanh, sản xuất thiết bị, phụ tùng có dấu hiệu giả mạo nhiều nhãn hiệu lớn như Honda, Yamaha, Suzuki. Ước tính số lượng vi phạm lên tới hàng chục ngàn sản phẩm.

Một số chủ cơ sở cho biết nhiều phụ tùng, thiết bị là do đơn vị tự sản xuất nhưng lại không xuất trình được đầy đủ các các loại giấy tờ kiểm định chất lượng.

Đã có hơn 300 trường hợp vi phạm bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý trong năm vừa qua.

Cần lên tiếng trước hành vi giả mạo nhãn hiệu

Trước những hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ về nhãn mác, kiểu dáng công nghiệp ngày càng phổ biến. Bên cạnh sự vào cuộc thanh kiểm tra của các lực lượng chức năng, các đơn vị bị xâm phạm sở hữu trí tuệ hoàn toàn có thể lên tiếng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Mặc dù nhà nước và pháp luật đã có chế tài xử lý hình sự đối với những hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp nhưng việc xử lý hình sự là rất hạn hữu bởi vướng mắc hướng dẫn về "quy mô thương mại", nhưng đơn vị bị xâm phạm có thể yêu cầu xử phạt hành chính đối tượng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của mình.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước