Làm việc bất kể giờ giấc, điều quan trọng nhất là cứu được càng nhiều động vật hoang dã càng tốt, những cán bộ cứu hộ hay bác sĩ thú y sẵn sàng dành cả tuổi thanh xuân để gắn bó với núi rừng, làm việc và sống trong rừng bởi họ dành một tình yêu to lớn cho rừng và các loài động, thực vật.
Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Cúc Phương thả hơn 20 cá thể động vật hoang dã về với rừng. Phải mất vài tháng, thậm chí vài năm phục hồi sau khi được cứu hộ, các con thú mới được về với tự nhiên. Làm nghề cứu hộ động vật hoang dã nhiều năm qua, anh Truyền và đồng nghiệp của mình luôn nỗ lực làm giảm mệt mỏi cho động vật. Với họ, những hành trình vài trăm cây số trong đêm là rất bình thường.
Hai cô gái độ tuổi đôi mươi này đã trở thành nhân viên tạm thời ở phòng cấp cứu đặc biệt. Ca trực đêm có nhiệm vụ chăm sóc cho các bệnh nhân hậu phẫu. Chú cầy vằn Ấn Độ bị hoại tử chân do sập bẫy. 4 giờ truyền nước một lần cho các bệnh nhân mới phẫu thuật được hơn 10 ngày, đêm nào các bác sĩ cũng phải khám và tiêm thuốc một lần.
Một ca cấp cứu nữa lại được chuẩn bị sẵn sàng. Thông tin ban đầu bị mất máu, mất nước và hoại tử cả hai chân trước, các phương án cấp cứu đã được chuẩn bị đầy đủ. Công việc cứ thế hối hả trong đêm, trái ngược hẳn với sự tĩnh lặng của cả khu rừng xung quanh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!