Từ đầu năm đến giờ, Bệnh viện Nhi Trung ương có 173 ca ho gà.
Bệnh ho gà là một bệnh rất dễ lây, gây ra bởi một loại vi khuẩn có tên Bordetella pertussis, chỉ được phát hiện ở người và được lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp (khi ho hoặc hắt hơi). Nhiều trẻ sơ sinh mắc bệnh ho gà do lây bệnh từ anh chị em, bố mẹ hoặc người chăm sóc mà thậm chí có thể họ không biết có bệnh.
Theo ghi nhận tại Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương, chị Đỗ Thị Dung tại Sơn La cho biết, lúc đầu bé nhà chị có các triệu chứng như ho, đỏ người, có lúc ho đến tím tái, những ngày sau cơn ho kéo dài hơn, sau đó chị cho bé nhập viện.
Triệu chứng ban đầu của bé nhà chị Đỗ Thị Dung là ho, đỏ người.
Trường hợp con của chị Phạm Thị Ánh Tuyết tại Phủ Lý, Hà Nam, biểu hiện lúc đầu của bé là ho sặc sụa và ho nhiều về đêm. Chị đã đưa cháu đi khám tại phòng khám tư nhân, nhưng không thấy đỡ. Sau đó, gia đình thấy cháu ho nhiều hơn nên đã đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương, tại đây bác sĩ chẩn đoán cháu mắc bệnh ho gà.
Trao đổi với VTV News, TS Nguyễn Văn Lâm - Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Nguyên nhân chính gây bệnh ho gà là do sự xâm nhập của vi khuẩn Bordetella pertussis đi vào đường hô hấp trên rồi sau đó khu trú và phát triển ở lông mao biểu mô trụ của đường thanh quản, khí quản. Ở đó vi khuẩn sẽ tiết ra một loại độc tố Pertussis toxin – đây là loại protein độc lực chính đóng vai trò gây bệnh. Trong những ngày thời tiết thường xuyên ẩm ướt, là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn Bordetella pertussis sinh sôi và phát triển nhanh chóng.
Các triệu chứng của bệnh ho gà thường xuất hiện trong vòng 5 – 7 ngày sau khi phơi nhiễm, nhưng đôi khi nó kéo dài tới 3 tuần.
Bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương khám cho trẻ mắc ho gà.
Ngoài ra, TS Nguyễn Văn Lâm - Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho biết, biểu hiện lâm sàng khá điển hình với những cơn ho dữ dội kéo dài, bệnh ho gà diễn biến qua 3 giai đoạn:
Ở giai đoạn đầu, bệnh nhi ho kéo dài từ 1-2 tuần với triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên không rõ ràng như chảy mũi, ho nhẹ (phần nhiều là ho về đêm). Ở giai đoạn này, để chẩn đoán phân biệt ho gà rất khó do triệu trứng của ho gà giống với những biểu hiện cảm cúm, viêm đường hô hấp thông thường.
Ở giai đoạn toàn phát (từ 1-2 tuần kế tiếp), bệnh nhi bắt đầu ho nhiều hơn, ho từng cơn kéo dài, sặc sụa. Sau những cơn ho trẻ thường đỏ mặt hay tím tái cả người do ho nhiều không đủ dưỡng khí để thở, lâu dần gây suy hô hấp. Cũng chính những con ho dài dữ dội khiến trẻ mệt, kiệt sức, biếng ăn dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng.
Giai đoạn 3 của ho gà là giai đoạn hồi phục, các cơn ho của trẻ ngắn lại, số cơn ho giảm.
TS Nguyễn Văn Lâm khuyến cáo, bệnh ho gà đôi khi rất nghiêm trọng, cần được điều trị tại bệnh viện. Trẻ sơ sinh có nguy cơ cao nhất bị các biến chứng nặng do bệnh ho gà.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!