Nông dân HTX Nông nghiệp Bình Hòa, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp áp dụng thuần thục kỹ thuật cung cấp nước ngập khô xen kẽ. Mực nước trên ruộng từ 5 - 10 cm, đảm bảo vừa đủ cho lúa nuôi hạt. Đến lúc lúa trổ chín sẽ rút nước ra. Đây là một trong những phương pháp canh tác lúa tiết kiệm nước, giảm phát khí thải nhà kính được hợp tác xã áp dụng nhiều năm qua.
Ở Đồng bằng sông Cửu Long, canh tác lúa giảm phát khí thải nhà kính được nông dân áp dụng khá nhiều, chỉ riêng tỉnh Đồng Tháp đã có 52.000 ha. Thế nhưng chuyện bán tín chỉ cacbon mới được nhắc đến khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh.
Theo lý giải của các chuyên gia, mỗi quốc gia, tổ chức, cá nhân sẽ có một lượng hạn ngạch phát thải khí carbon nhất định. Nếu không sử dụng hết hạn ngạch được cấp phép có thể bán lại cho quốc gia, tổ chức có lượng phát thải vượt quá hạn ngạch được phép. Đối với ngành nông nghiệp nước ta, nếu nông dân sản xuất giảm phát khí thải nhà kính thấp, không sử dụng hết hạn ngạch thì có thể bán cho các quốc gia, tổ chức khác thu về tài chính.
Ngân hàng Thế giới ước tính vùng chuyên canh lúa chất lượng cao ở ĐBSCL khi hình thành có thể giảm 10 triệu tấn carbon, thu về khoảng 100 triệu USD. Đây là một con số không hề nhỏ giúp bà con nông dân gia tăng thêm lợi nhuận.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!