Dọc tuyến Quốc lộ 1, đoạn qua thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, hàng chục hồ nuôi tôm được xây dựng kiên cố trên phần đất, nằm sát cạnh nhà ở của người dân tổ dân phố Lập An. Mặc dù biết là trái phép và vụ đầu lỗ nặng nhưng anh Lê Văn Đức - chủ nhân của một hồ nuôi tôm - vẫn đeo bám để nuôi tiếp vụ thứ hai.
Theo tìm hiểu của phóng viên, các hồ nuôi tôm được xây dựng trái phép trong khoảng vài tháng trở lại đây. Không chỉ tại tổ dân phố Lập An mà tình trạng này còn diễn ra phổ biến ở nhiều khu vực khác ở huyện Phú Lộc như: Hói Dừa, Hói Mít, Hải Vân, An Cư Tây và nghiêm trọng nhất là ở tổ dân phố Loan Lý.
Theo thống kê bước đầu, tại thị trấn Lăng Cô hiện có gần 100 hộ nuôi tôm chân trắng trái phép trên diện tích hàng chục hecta gồm đất ở, đất nông nghiệp và đất rừng. Đa số các hồ nuôi tôm đều có diện tích nhỏ, chỉ vài trăm mét vuông. Hộ nào nuôi tôm với diện tích lớn đảm bảo thì lại chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thiếu nhiều cơ sở vật chất, hệ thống xử lý ô nhiễm.
Theo quy định của tỉnh Thừa Thiên - Huế, đối với các hồ nuôi tôm xây dựng sau năm 2010, diện tích phải trên 3.000m2. Nhưng trên thực tế, có hồ tôm khoảng 500m2 vẫn được đưa vào hoạt động. Phó chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô, Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế cho biết: "Do thời gian trở lại đây, tập trung cho nhiều dự án quan trọng nên không kiểm soát thường xuyên và xử lý dứt điểm. Sắp tới, địa phương sẽ tiếp tục theo dõi, hướng dẫn bà con chuyển đổi loại vật nuôi phù hợp".
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.