Các lực lượng chức năng cùng người dân đưa ghe thuyền vào sâu trong đất liền để tránh bão số 5. Ảnh: TTXVN.
Là địa phương được xác định sẽ chịu ảnh hưởng của cơn bão số 5, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang khẩn trương triển khai các phương án ứng phó với mưa bão. Một trong những nội dung trọng tâm là di dời dân ở các vùng xung yếu, vùng sạt lở ở gần bờ biển đến nơi trú ẩn an toàn.
Thôn Tân An, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang là một trong những điểm xung yếu chịu sự tác động rất lớn của sạt lở, khi có mưa bão xảy ra sẽ đe dọa đến các hộ dân đang sinh sống nơi đây.
Xác định được mối nguy hiểm trên, từ chiều nay (17/9), chính quyền địa phương đã huy động lực lượng di dời hơn 50 hộ dân ở đây đến các điểm tránh trú an toàn. Cùng với xã vùng biển Phú Thuận, huyện Phú Vang, vào thời điểm này, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang triển khai công tác di dời hơn 28.000 hộ dân ở các vùng xung yếu, bị đe dọa bởi lụt bão trên địa bàn đến các nơi tránh trú bão an toàn.
Đến thời điểm này, công tác triển khai ứng phó với cơn bão số 5 đã được tỉnh Thừa Thiên - Huế khẩn trương thực hiện nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi bão số 5 đổ bộ vào đất liền.
Tại Quảng Bình, các đơn vị, địa phương và bà con nhân dân cũng đang gấp rút triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 5. Các đơn vị Bộ đội biên phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình và lực lượng công an cũng đã chuẩn bị nhân lực, phương tiện để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Trước những diễn biến dự báo là hết sức phức tạp của cơn bão số 5, ngày hôm nay (17/9), tỉnh Quảng Bình đã thành lập tổ công tác đặc biệt để nhằm kịp thời chuẩn bị cũng như sẵn sàng ứng phó.
Theo số liệu mới cập nhật của BĐBP tỉnh Quảng Bình, tính đến thời điểm hiện tại đã có 6.300 tàu thuyền với trên 21.500 ngư dân đã kịp thời vào bờ để tránh trú an toàn. Tuy nhiên, tại địa phương này vẫn còn 226 phương tiện cùng với 1.545 ngư dân vẫn đang trên các vùng biển nguy hiểm.
Còn tại các địa phương miền núi với địa hình rất phức tạp với các đường dốc trong các năm trước thường xảy ra các vụ sạt lở thì năm nay Quảng Bình đã chuẩn bị các phương án.
Tại Đà Nẵng - địa phương vừa phải dồn sức chống dịch, các lực lượng vẫn sẵn sàng túc trực để ứng phó với mọi diễn biến của bão. Công tác chuẩn bị đã được bắt đầu từ ngày 16/9. Đến hôm nay (17/9), tất cả các lực lượng và người dân đã yên tâm chủ động đối phó bão.
Trước tình hình bão số 5 đang chuẩn bị đổ bộ vào miền Trung với sức gió giật trên cấp 12, 2 ngày qua, TP Đà Nẵng đã khẩn trương triển khai nhiều phương án đối phó với tinh thần hết sức khẩn trương. Với tinh thần chống bão như chống dịch nên TP Đà Nẵng đang tập trung huy động cả hệ thống chính trị và toàn thể người dân vào cuộc.
Bên cạnh các phương án đảm bảo an toàn hồ đập, các công trình xây dựng cơ bản đang thi công, ngay trong sáng nay (17/9), lãnh đạo TP Đà Nẵng đã tổ chức nhiều đoàn công tác có mặt thị sát tại các vùng thấp trũng, khu vực ven biển và các khu neo đậu tàu thuyền. Đây là những khu vực trực tiếp sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên do bão và ngập lụt khi có mưa lớn.
Đà Nẵng tập trung ứng phó bão số 5
Tính đến cuối giờ chiều nay, hầu hết tàu thuyền của ngư dân Đà Nẵng đã về nơi neo đậu an toàn. Riêng 3 trường hợp phương tiện đang còn ở ngoài khơi phía Bắc đảo Hoàng Sa cũng đã được lực lượng Biên phòng hướng dẫn tránh xa vùng gió bão.
Hiện tại, các kịch bản di dời dân vùng cửa sông, ven biển đang được TP Đà Nẵng tính toán và sẵn sang triển khai, với tinh thần đảm bảo tính mạng con người là trên hết nên việc di dời bắt buộc đối với người dân đang còn trên các lồng bè vùng cửa sông cũng được ngành chức năng triển khai.
Kinh nghiệm cho thấy để người dân trên các lồng bè là rất nguy hiểm. Người dân ngại lên bờ vì sợ mất tài sản nên lực lượng biên phòng phân công nhau trông coi cho người dân, ưu tiên đầu tiên là tính mạng con người.
Kinh nghiệm qua nhiều năm sống chung với bão lũ, nên ngay từ trước khi bão đổ bộ vào, ngành chức năng đã vận động người dân chèn chống nhà cửa, phát huy tối đa phương châm 4 tại chỗ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!