Từ việc TikToker tư vấn "ngành nghề vô dụng": Làm gì để giúp học sinh lựa chọn cho đúng?

VTV Digital-Thứ tư, ngày 22/03/2023 12:16 GMT+7

VTV.vn - Băn khoăn trước ngưỡng cửa chọn nghề, lo lắng trước những thông tin "ngành nghề vô dụng" hay khi cầm trên tay tấm bằng đại học cũng không tự tin đi xin việc.

Ở thời điểm sắp tốt nghiệp này, không ít các bạn học sinh sinh viên đang lo lắng với con đường nghề nghiệp tương lai của mình. Chưa kể lại đang có quá nhiều thông tin đánh giá về những ngành nghề như nghề này vô dụng, nghề kia khó xin việc… Liệu có đúng là như vậy? Tiêu điểm hôm nay có thể giúp cho các bạn trẻ và các gia đình phần nào có những lời giải cho vấn đề này....

Bối rối vì nghe TikToker tư vấn "các ngành nghề vô dụng"

Gửi hơn 800 hồ sơ tới các công ty, trong đó chỉ có 30 công ty mời đến phỏng vấn nhưng lại không vượt qua một cuộc phỏng vấn nào cả. Đây là câu chuyện được một cô gái trẻ tại Trung Quốc kể lại trong nước mắt do cô đã tốt nghiệp đại học rồi nhưng không thể có được một công việc.

Tính chính xác trong câu chuyện trên chưa ai kiểm chứng. Nguyên nhân dẫn đến việc cô gái này không tìm được việc là do trình độ, kỹ năng hay những lý do khác cũng chưa rõ. Nhưng, việc có bằng đại học nhưng không tìm được việc - đã trở thành nội dung chủ điểm, đứng đầu xu hướng bàn luận của giới trẻ.

Từ việc TikToker tư vấn ngành nghề vô dụng: Làm gì để giúp học sinh lựa chọn cho đúng? - Ảnh 2.

Ngay tại Việt Nam, không ít học sinh cuối cấp tỏ ra bối rối khi đây là thời gian cao điểm chọn trường chọn ngành để theo học với mong muốn có một công việc phù hợp trong tương lai.

Ngay trên các nền tảng mạng xã hội, nội dung chia sẻ về định hướng nghề nghiệp, ngành học cũng được nhiều cá nhân khai thác. Đáng nói, những đoạn video "Ngành học vô dụng nhất" lại thu hút hàng nghìn đến hàng chục nghìn lượt xem trên Tiktok càng khiến cho học sinh hoang mang trước ngưỡng cửa nghề nghiệp.

Từ việc TikToker tư vấn ngành nghề vô dụng: Làm gì để giúp học sinh lựa chọn cho đúng? - Ảnh 3.

những đoạn video "Ngành học vô dụng nhất" khiến học sinh hoang mang.

Hàng loạt video chứa định kiến cá nhân về một số ngành nghề… đang được lan truyền trên nền tảng tiktok với hàng nghìn lượt thích và bình luận. Điều này khiến một số học sinh lớp 12 đang có ý định thi vào các ngành nghề này khá bối rối trước con đường sắp chọn.

Học sinh Nguyễn Hùng Mạnh, trường THPT May Hà Nội chia sẻ: "Ngành nghề em bị chọn gắn mác tiêu cực, với cả vô dụng khiến em khá hoang mang".

Từ việc TikToker tư vấn ngành nghề vô dụng: Làm gì để giúp học sinh lựa chọn cho đúng? - Ảnh 4.

Bàn về ngành ngôn ngữ Anh trong môi trường Đại học. Tại lớp học của Khoa Ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, thầy giáo giảng cho sinh viên về lĩnh vực báo chí truyền thông. Ở đây thông qua nền tảng tiếng Anh, bạn trẻ tiếp cận nhiều nguồn tri thức và có nhiều sự lựa chọn ngành nghề.

Sinh viên Hoàng Khánh Linh, Khoa Ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Ngoại Ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: "Khi em định hướng ngành nghề em muốn theo đuổi là content writer thì em thấy ngôn ngữ rất quan trọng. Bởi vì khi em xác định được khách hàng là ai thì khi đấy e dùng ngôn từ một cách hợp lý để tiếp cận với khách hàng và làm cho người ta hiểu được nội dung mà mình muốn truyền tải".

Bà Nguyễn Thúy Lan, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Giá trị này tại trường Đại học mang lại cho các bạn nhiều hơn là chứng chỉ Ielts. Các bạn sẽ được học về tư duy sáng tạo khởi nghiệp, tư duy phê phán, kế hoạch tài chính cá nhân, quản trị thương hiệu, văn minh phương Tây, lịch sử giao thương Đông Á... Nhóm kiến thức năng lực đó sẽ giúp các bạn làm được nhiều ngành nghề trong cuộc sống".

Từ việc TikToker tư vấn ngành nghề vô dụng: Làm gì để giúp học sinh lựa chọn cho đúng? - Ảnh 5.

Năm 2022, khối ngành Kinh doanh và Quản lý là thu hút sinh viên nhất, với gần 25% thí sinh trúng tuyển, xác nhận nhập học.

Theo phân tích, hiện nay Tiktok đang là nền tảng mạng xã hội được thế hệ GenZ ưa chuộng. Vì thế, chỉ cần thông tin tư vấn câu view thiếu hoặc sai lệch sẽ tác động lớn đối với tâm lý các bạn trẻ.

Bà Nguyễn Thái Hà, Giám đốc điều hành đơn vị tư vấn tuyển dụng cho biết: "Các bạn ấy được dạy rằng để có những video clip triệu view và thật nhiều like thì phải nói những vấn đề gây tranh cãi. Vậy nên câu chuyện đừng học ngành này, ngành kia, học đại học này đại học kia đã trở thành miếng mồi béo bở để câu view như vậy".

Các chuyên gia khẳng định, không tấm bằng đại học nào vô dụng. Tương lai có triển vọng hay không phần lớn là do năng lực bản thân. Trong giai đoạn chọn ngành, các thí sinh cần chắt lọc thông tin, tìm đến các kênh uy tín trước khi đưa ra quyết định của bản thân.

Khi bằng đại học chưa thể quyết định việc làm

Có thể thấy, không có ngành học nào là vô dụng. Nhưng việc sinh viên theo học một ngành học bất kỳ, ra trường gặp khó khăn khi tìm việc là có. Thực trạng không mới nhưng luôn cần được nhấn mạnh, đặc biệt là thời điểm này. Khi hiện nay, vẫn còn số đông các gia đình và thí sinh lựa chọn nguyện vọng đầu tiên của con em mình là theo học bậc đại học. Thậm chí, các nguyện vọng tiếp theo vẫn sẵn sàng chấp nhận một ngành học bất kỳ, miễn sao đủ điều kiện đỗ đại học.

Và nếu vẫn giữ tâm lý "nhắm mắt đưa chân" kiểu gì cũng phải vào được trường đại học như vậy thì thí sinh cần phải cẩn trọng. Khi hiện nay, tại Việt Nam, tính chung trong tất cả các ngành đào tạo, tỷ lệ sinh viên ra trường làm trái ngành là 21,43%. Thậm chí, một số ngành có tỷ lệ cao hơn 60%. Chưa kể, cử nhân cất bằng đại học để đi làm việc phổ thông cũng không phải là hiếm gặp.

Từ việc TikToker tư vấn ngành nghề vô dụng: Làm gì để giúp học sinh lựa chọn cho đúng? - Ảnh 8.

Một cử nhân ngành kỹ sư cầu đường đã trải qua rất nhiều nghề nhưng tất cả đều không liên quan đến ngành kỹ sư cầu đường đã theo học ở bậc đại học.

Ra nhập thị trường việc làm, cử nhân ngành kỹ sư cầu đường (trong hình ảnh trên) đã trải qua không ít công việc bán thời gian, và giờ đây, là công việc tạo ra các sản phẩm trang trí tại một xưởng điêu khắc. Một công việc phổ thông, không yêu cầu bằng cấp. Tất cả đều không liên quan đến ngành kỹ sư cầu đường đã theo học ở bậc đại học.

Cử nhân ngành kỹ sư cầu đường chia sẻ: "Em cũng không biết diễn tả sao nữa. Cảm giác như là thất bại. Trước em lựa chọn ngành học kỹ sư cũng do còn trẻ không rõ ràng định hướng. Sau khi ra trường thì công việc khá vất vả, làm kỹ sư nên phải đi xa, rừng rú, khổ lắm. Em cũng đi xin một số việc khác gần nhà nhưng không được. Bố mẹ cho tiền ăn học mà không xin được việc cũng buồn. Hiện tại em cũng chưa có suy nghĩ gì, cứ có công việc là tốt rồi".

Từ việc TikToker tư vấn ngành nghề vô dụng: Làm gì để giúp học sinh lựa chọn cho đúng? - Ảnh 9.

Cứ có việc là được! Là sự thật nhiều bạn trẻ buộc phải chấp nhận khi thiếu định hướng lựa chọn ngành học. Theo học ngành điện tử viễn thông ở bậc đại học, nhưng, công việc đầu tiên Phạm Vũ Kiên đi làm lại là nhân viên tư vấn bảo hiểm.

Anh Phạm Vũ Kiên chia sẻ: "Khi em tham khảo các nguyện vọng thì em thấy ngành này trong tương lai cần nhân lực. Vì nó hot nên trong tương lai có thể bị bão hoà. Sẽ có quá nhiều người theo nên tính cạnh tranh cao hơn. Nên em quyết định sang một ngành nghề trái ngược hẳn để xem có hợp với em không vì em cũng chưa biết là em thích cái gì…".

Ra trường làm công việc hoàn toàn không liên quan đến ngành học. Thực tế không hiếm gặp. Theo một nghiên cứu của Trường đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp các ngành kỹ thuật, công nghệ, kiến trúc và xây dựng làm trái ngành là 31,6%. Thậm chí, một số ngành có tỷ lệ này cao hơn 60%.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ Việc làm Hà Nội cho biết: "Bản thân nhiều bạn trong quá trình đào tạo: lúc đầu đăng ký theo học không theo đúng sở trường của bản thân. Khi tham gia vào thị trường lao động thì không thấy phù hợp thì quay ra tìm kiếm công việc khác".

"Bản thân nhiều bạn trong quá trình đào tạo: lúc đầu đăng ký theo học không theo đúng sở trường của bản thân. Khi tham gia vào thị trường lao động thì không thấy phù hợp thì quay ra tìm kiếm công việc khác".

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ Việc làm Hà Nội

Thứ nhất do người lao động chưa xác định được nhu cầu học ra sẽ làm việc gì phù hợp với mình. Thứ hai dự báo cung cầu trên thị trường chưa chính xác. Thứ 3 là nhiều các bạn vẫn học theo phong trào, theo số đông. Ra trường bằng cấp không đáp ứng được vị trí ứng tuyển.

Bà Đỗ Thùy Linh, Giám đốc Công ty CP kết nối nhân lực Worklink Việt NAm

Cũng theo các chuyên gia, việc có bằng cấp sẽ chỉ giúp các ứng viên dễ dàng hơn khi vượt qua vòng xét duyệt hồ sơ. Còn trong quá trình phỏng vấn hay thực tế làm việc, người lao động vẫn cần thể hiện được kỹ năng, phẩm chất phù hợp với đơn vị tuyển dụng. Vì vậy, việc có bằng đại học chưa đủ để quyết định ứng viên sẽ có công việc tốt.

Tự tin trước ngưỡng cửa chọn ngành nghề

Dù chọn trường nào, ngành học nào thì đích đến vẫn là một công việc phù hợp với bản thân, thu nhập như mong muốn. Vì vậy, việc lựa chọn được đúng ngành nghề để theo đuổi mới là điều quyết định. Còn việc học đại học hay cao đẳng, thậm chí là học để lấy chứng chỉ nghề nghiệp sẽ là lựa chọn riêng của mỗi thí sinh tùy điều kiện, khả năng của bản thân. Tránh việc chạy theo bằng cấp mà chọn ngành nghề không phù hợp. Và để giúp thí sinh có đủ tự tin khi đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn ngành nghề thì việc định hướng nghề nghiệp ngay từ khối phổ thông đóng vai trò quan trọng.

Trở thành biên tập viên dẫn chương trình, là hoạt động lần đầu tiên Phạm Thị Mai Linh cũng như nhiều học sinh tại trường THPT Tứ Kỳ II, tỉnh Hải Dương được trải nghiệm trong buổi tư vấn hướng nghiệp.

Hoạt động thường niên với sự phối hợp cùng các trường cao đẳng, đại học được trường kỳ vọng các em sẽ có thêm hiểu biết về công việc của từng ngành nghề.

Em Mai Linh, Lớp 12A, trường THPT Tứ Kỳ II, Tỉnh Hải Dương chia sẻ: "Qua buổi hoạt động hôm nay, em cũng biết công việc của mọi người trong ngành báo chí truyền hình".

Từ việc TikToker tư vấn ngành nghề vô dụng: Làm gì để giúp học sinh lựa chọn cho đúng? - Ảnh 13.

Còn tại trường phổ thông liên cấp Olympia, việc hướng nghiệp được chia làm 3 mảng chính: Giáo dục hướng nghiệp; Trải nghiệm và Tư vấn hướng nghiệp. Trong đó, với học sinh cuối cấp, các em sẽ có 40 giờ kiến tập và thực tập thực tế tại các doanh nghiệp. Đáng nói, hoạt động hướng nghiệp không chỉ gói gọn trong quy mô nhà trường.

Chị Nguyễn Hạnh Chi, Trưởng phòng tư vấn hướng nghiệp, Trường phổ thông liên cấp Olympia cho biết: "Tất cả các nguồn lực đều tham gia công tác hướng nghiệp và tăng trải nghiệm cho học sinh. Ví dụ như ban giám hiệu, các thầy cô cố vấn, giáo viên bộ môn, rất nhiều phụ huynh học sinh, cựu học sinh đã và đang tham gia vào công tác hướng nghiệp".

Từ việc TikToker tư vấn ngành nghề vô dụng: Làm gì để giúp học sinh lựa chọn cho đúng? - Ảnh 14.

Học sinh đang ngày càng chú trọng đến các tiêu chí lựa chọn ngành nghề theo học sau THPT, được các trường nhận định là điều thay đổi tích cực trong nhiều năm qua. Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh được tổ chức mới đây, gian hàng nào cũng chật kín các thí sinh với những câu hỏi thiết thực mong muốn được giải đáp.

Việc theo đuổi ngành nghề đúng năng lực, đúng nhu cầu và bắt kịp xu hướng phát triển của xã hội là không dễ dàng. Nhưng chắc chắn, việc cân nhắc kỹ lưỡng khi chọn ngành, cùng việc lựa chọn được môi trường đào tạo thực tế, học thực chất, làm thực chiến, sẽ tăng cơ hội thành công cho người học trong quá trình phát triển sau này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước