Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đăk Nông, tính đến thời điệm hiện tại, toàn tỉnh ghi nhận 12 ca mắc bệnh bạch hầu với 3 ổ dịch tại hai huyện Krông Nô và Đắk G'Long.
Trong đó, 4 ca thuộc huyện Krông Nô - ổ dịch khởi phát đầu tiên đã được điều trị khỏi. 8 ca bệnh còn lại thuộc huyện Đắk G'Long trong đó, 1 trường hợp cháu bé 9 tuổi đã tử vong. Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, các cơ quan chức năng đã cách ly, khoanh vùng toàn bộ các ổ dịch; tiêm vaccine cho những đối tượng có nguy cơ; điều trị dự phòng bằng kháng sinh cho khoảng hơn 400 người có nguy cơ và tiến hành xử lý môi trường.
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính ở tuyến hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như: Kết mạc mắt, bộ phận sinh dục… Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.
Bệnh có khả năng lây lan nhanh và gây tử vong cao. Thế nhưng, một số người thường nhầm lẫn bạch hầu với viêm họng vì vậy phát hiện muộn gây ảnh hưởng đến tính mạng. Clip sau đây sẽ giúp quý vị phân biệt được triệu chứng của bệnh bạch hầu:
Triệu chứng của bệnh bạch hầu:
+ Sốt nhẹ, đau đầu, viêm họng. Bệnh diễn tiến nhanh khiến bệnh nhân khó thở, đau họng dẫn tới chán ăn, sổ mũi, hơi thở hôi…
+ Vùng niêm mạc họng, thanh quản, mũi xuất hiện màng giả có màu trắng ngà. Lớp màng màu trắng dai và dính, khi bóc màng ra gây chảy máu và chuyển sang màu xám hoặc đen.
Triệu chứng viêm họng cấp:
+ Do virus gây ra như virus cúm, sởi… hoặc vi khuẩn như phế cầu, liên cầu...
+ Sốt đột ngột 39-40 độ C, môi khô, rát họng, khản tiếng, nuốt đau. Chảy nước mũi sụt sịt hay tắc mũi. Viêm tấy hạch vùng cổ, hạch góc hàm sưng, đau…
Nếu thấy các triệu chứng nghi mắc bệnh bạch hầu, người bệnh cần đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời tránh biến chứng nguy hiểm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!