Chương trình tư vấn trực tuyến "Tìm hiểu bướu giáp nhân, ung thư giáp và tiến bộ điều trị hiện nay".
20 giờ tối ngày 11/05, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phối hợp với Báo điện tử VTV tổ chức chương trình Tư vấn trực tuyến "Tìm hiểu bướu giáp nhân, ung thư giáp và tiến bộ điều trị hiện nay", nhằm cung cấp những kiến thức hữu ích về nguyên nhân, cập nhật những phương pháp điều trị hiện đại và cách phòng ngừa bệnh tuyến giáp. Chương trình có sự tham gia của 2 chuyên gia, bác sĩ hàng đầu trong lĩnh vực Nội tiết và Ung thư.
TS.BS Lâm Văn Hoàng với hơn 30 năm khám bệnh và điều trị uy tín về lĩnh vực Nội tiết – Đái tháo đường. Hiện bác sĩ Hoàng đang là Cố vấn khoa Nội Tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh.
ThS.BS.CKII Đoàn Minh Trông có gần 25 năm công tác trong lĩnh vực ung bướu. Là 1 trong những chuyên gia hàng đầu ở lĩnh vực Đầu - Mặt - Cổ, bác sĩ Trông luôn cập nhật các phương pháp điều trị mới nhất của y học thế giới, nhất là phác đồ điều trị của các nước u - Mỹ nhằm tăng cơ hội, rút ngắn thời gian chữa trị cho bệnh nhân.
Nhiều câu hỏi, thắc mắc của người dân liên tục được gửi về. Điều này chứng tỏ sự quan tâm theo dõi của hàng chục nghìn khán giả về chủ đề này khá cao. Ngay trong chương trình, các bác sĩ đã tư vấn tận tình, giải đáp mọi thắc mắc về bướu giáp nhân, ung thư giáp, nguyên nhân gây bệnh, phương pháp chữa trị và cách phòng ngừa.
Đi khám khi nuốt khó, khàn giọng
TS.BS Lâm Văn Hoàng, Cố vấn chuyên môn khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh cho biết, có nhiều yếu tố hình thành bướu giáp nhân. Trong đó, yếu tố môi trường, di truyền, dinh dưỡng, thực phẩm ảnh hưởng nhiều đến quá trình tổng hợp hormone tuyến giáp.
TS.BS Lâm Văn Hoàng đang khái quát về bướu giáp nhân, ung thư giáp và mức độ phổ biến của bệnh.
Bướu giáp nhân có tỷ lệ mắc khá cao, khoảng 7% dân số, chủ yếu ở người trưởng thành. Ngoài ra, tỷ lệ ung thư ở người bị nhân giáp chiếm hơn 10% dân số. Bướu giáp và ung thư giáp là 2 vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm trong thời gian gần đây. Cũng như bướu giáp nhân, ung thư giáp giai đoạn đầu thường không có triệu chứng, người bệnh chỉ tình cờ phát hiện khi khối u ở cổ lớn bất thường, đi siêu âm các bệnh khác hoặc khám sức khỏe định kỳ.
Bác sĩ Hoàng chia sẻ thêm, bướu giáp nhân có khả năng phát triển thành ung thư cao hơn khi khối u lớn quá nhanh, xâm lấn sang các khu vực xung quanh. Ngoài ra, khi cơ thể xuất hiện 1 số triệu chứng như nuốt khó, khàn giọng, tiền sử gia đình có người mắc bệnh hoặc từng tiếp xúc với chất phóng xạ cũng là những yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư giáp.
Hiện có nhiều phương pháp giúp chẩn đoán bướu nhân giáp, ung thư giáp thường gặp như: siêu âm, xét nghiệm tế bào học, sinh thiết dưới hướng dẫn của siêu âm, chụp CT hay MRI vùng cổ.
Ung thư không phải dấu chấm hết!
Không riêng ung thư giáp mà với những ung thư khác, người bệnh thường nhịn ăn để bỏ đói tế bào ung thư. Tuy nhiên, đây là quan điểm sai lầm, bởi, bỏ đói tế bào ung thư cũng đồng nghĩa cơ thể sẽ không có năng lượng để chuyển hóa, trao đổi chất, từ đó hệ thống miễn dịch suy giảm, nguy cơ tái phát bệnh rất cao.
ThS.BS.CKII Đoàn Minh Trông giải thích những quan niệm sai lầm và cập nhật những phương pháp điều trị bướu giáp nhân, ung thư giáp hiện nay.
ThS.BS.CKII Đoàn Minh Trông, Đơn vị Đầu - Mặt - Cổ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh cho biết, ung thư giáp có nhiều loại, tùy vào từng trường hợp, thời gian mắc bệnh bao lâu mà tiên lượng ở mỗi bệnh nhân sẽ khác nhau. Nếu bệnh nhân được chẩn đoán sớm và điều trị bằng phương pháp phù hợp, tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với ung thư giáp chiếm đến 97,8%. Do đó, người bệnh không nên tin theo những quan niệm sai lầm, tự ý bỏ điều trị khiến tình trạng xấu hơn.
Để chẩn đoán bướu nhân có vôi hóa hoặc tăng sinh mạch máu hay không? Nhân bướu là lành hay ác tính, bác sĩ sẽ dựa vào kết quả hình ảnh trên siêu âm. Ngoài ra, 1 số xét nghiệm sinh hóa tuyến giáp, kỹ thuật xạ hình, chụp MRI cũng giúp chẩn đoán tính chất lành hay ác tính của bướu giáp trước khi lên phác đồ điều trị.
Bác sĩ Trông chia sẻ thêm, điều trị bướu giáp nhân và ung thư giáp hiện nay đã có những tiến bộ vượt bậc. Bên cạnh điều trị nội khoa, thuốc uống, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh đang ứng dụng nhiều phương pháp, thiết bị hiện đại trong điều trị bướu giáp nhân, ung thư giáp nói riêng và các bệnh tuyến giáp nói chung như: sóng cao tần RFA, phẫu thuật, liệu pháp iốt phóng xạ,...
Tầm soát định kỳ là biện pháp hữu hiệu
Bướu giáp nhân và ung thư giáp thường gặp ở người trưởng thành, phổ biến ở phụ nữ với tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 3 lần nam giới. Điều này đến từ những ảnh hưởng của hormone, nội tiết tố thay đổi ở các giai đoạn như: dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt, mang thai, sau sinh và thời kỳ mãn kinh,…
TS.BS Lâm Văn Hoàng khuyến cáo và tư vấn về cách ngừa bệnh tuyến giáp.
Theo TS.BS Lâm Văn Hoàng, Cố vấn chuyên môn khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh, ung thư giáp có thể chữa trị, tùy giai đoạn, loại ung thư, độ tuổi phát hiện bệnh. Điều quan trọng là tầm soát, phát hiện sớm. Theo đó, mỗi người nên tập thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần hoặc ít nhất 1 năm/lần để phát hiện kịp thời các tình trạng bất thường của tuyến giáp, từ đó tăng khả năng điều trị và ngăn bệnh tái phát.
Bác sĩ Hoàng chia sẻ thêm, để giảm nguy cơ mắc các bệnh tuyến giáp, nên hạn chế tiếp xúc với tia bức xạ, xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, hạn chế sử dụng rượu bia, chất kích thích, đảm bảo cung cấp đủ lượng iốt cần thiết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!