Theo báo cáo của Tổng cục quản lý thị trường, trong năm 2021, có hơn 41.000 vụ vi phạm bản quyền, làm giả thương hiệu, nhãn mác,…bị phát hiện trên cả nước. Trong đó có nhiều vụ đặc biệt nghiệm trong làm giả các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe thị trường và làm hại doanh nghiệp sản xuất chân chính.
Phát biểu tại Hội thảo "Thuốc và thực phẩm chức năng giả - Hiện trạng và giải pháp" tổ chức ngày 22/9 tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đức Lê - Phó cục trưởng Cục nghiệp vụ - Tổng cục Quản lý thị trường đánh giá các hành vi sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng không nhãn mác hiện tại phát triển rất rộng lớn, từ thành thị đến nông thôn, nhiều sản phẩm làm giả từ nước ngoài nên rất khó phát hiện và truy xuất.
Ông Nguyễn Đức Lê - Phó cục trưởng Cục nghiệp vụ - Tổng cục Quản lý thị trường
Trước vấn nạn thuốc giả và thực phẩm chức năng giả đã tồn tại rất lâu, gây ra nhiều hệ lụy, ông Phạm Văn Thọ, phó GĐ Trung tâm công nghệ chống hàng giả Việt Nam nhận định các hành vi gian lận sản phẩm trong lĩnh vực y tế này đặt ra nhiều thách thức trong công tác phòng chống nhưng các giải pháp để chống lại vấn nạn này đến nay vẫn chưa có hiệu quả cao.
Theo ông, giải pháp mà doanh nghiệp thường hay áp dụng là những con tem chống hàng giả lên sản phẩm của mình. Những con tem đó được in ấn trong những nhà in, nó không có hàm lượng công nghệ nên không bảo vệ được nhiều. "Hiện nay, Trung tâm công nghệ chống hàng giả Việt Nam đang áp dụng giải pháp Truedata truy xuất nguồn gốc hàng hóa, giải pháp này rất đảm bảo về mặt khoa học, an ninh và tiện lợi cho người tiêu dùng dùng app quét lên sản phẩm sẽ truy xuất được nguồn gốc, một khi nó được nhận diện rồi việc xuất hiện thêm một sản phẩm như vậy người tiêu dùng rất dễ nhận biết", ông Thọ nói.
Áp dụng công nghệ trong các tem chống hàng giả là giải pháp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn khi ứng phó với nạn hàng giả.
Áp dụng công nghệ trong bảo đảm quyền lợi của mình và khách hàng chính là giải pháp mà một số doanh nghiệp ngành dược, thực phẩm chức năng hiện nay hướng đến.
Được biết, Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp ngành dược và thực phẩm chức năng tiếp cận với công nghệ chống hàng giả để bảo vệ nhãn hàng doanh nghiệp cũng như sức khỏe của người tiêu dùng.
Bên cạnh áp dụng công nghệ mới, các doanh nghiệp ngành thuốc, thực phẩm chức năng hiện nay cũng để nghị nhà nước tăng cường các giải pháp quản lý thị trường này. Ông Nguyễn Đức Lê cho biết: "QLTT tăng cường nắm địa bàn, phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn để làm sao kịp thời phát hiện các tổ chức cá nhân có hành vi sản xuất, tàng trữ kinh doanh các mặt hàng thuốc, thực phẩm chức năng giả. Chúng tôi mong muốn người tiêu dùng có ý thức cao hơn, không mua thuốc, thực phẩm chức năng mà không biết có phù hợp với sức khỏe hay không, lựa chọn mua các sản phẩm được tư vấn có xuất xứ rõ ràng".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!