Ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

VTV News-Thứ sáu, ngày 14/07/2023 22:36 GMT+7

Vị trí và đường đi của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: TT KTTV Quốc gia

VTV.vn - Chiều 14/5, ATNĐ đã vượt qua phía Bắc đảo Luzon (Philippines) đi vào Biển Đông. Trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và có khả năng mạnh lên thành bão.

Áp thấp nhiệt đới đã đi vào biển Đông

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 19h ngày 14/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18 độ Vĩ Bắc; 119 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61 km/h), giật cấp 9.

Từ 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và còn tiếp tục mạnh thêm.

Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp nhiệt đới kết hợp với hoạt động của gió mùa Tây Nam, đêm 14/7 và ngày 15/7, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển Trường Sa), vùng biển phía Đông của khu vực Bắc và giữa Biển Đông, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan có mưa rào và dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy, gió giật mạnh.

Từ đêm 15/7 và ngày 16/7, khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, riêng vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8-9, giật cấp 11; sóng biển 4-6 m; biển động mạnh. Vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau, vùng biển phía Nam khu vực giữa Biển Đông và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; sóng biển 3,5-4,5 m; biển động mạnh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển cấp 2.

Các chuyên gia cảnh báo, toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.

Từ chiều tối 14/7 đến sáng 15/7, khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa 40-70 mm, có nơi trên 150 mm; khu vực trung du, đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rào, dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa 20-40 mm, có nơi trên 100 mm.

Từ chiều tối 14/7-15/7, khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 20-50 mm, có nơi trên 70 mm (thời gian mưa lớn tập trung vào chiều và đêm).

Các chuyên gia nhận định, mưa lớn ở khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ vào chiều và tối còn có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá cấp 1.

Sẵn sàng ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

Tối 14/7, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ban hành Công điện số 04/CĐ - QG gửi Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên; Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Công Thương; Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan báo chí.

Ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: TTXVN

Để chủ động ứng phó với bão, giảm thiểu thiệt hại, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão; quản lý chặt chẽ phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới: từ vĩ tuyến 17,5 đến 21,5 độ Vĩ Bắc, phía Đông kinh tuyến 116,5; trong 48 giờ tới: phía Bắc vĩ tuyến 18, phía Đông kinh tuyến 113 (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo).

Các bộ, ngành, địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, đồng thời rà soát các hoạt động trên biển, nuôi trồng thủy hải sản để có phương án sẵn sàng ứng phó với ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bão.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Bộ Ngoại giao liên hệ với các quốc gia trong khu vực đề nghị tạo điều kiện cho người dân, tổ cá vào tránh trú và hỗ trợ, cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.

Các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương tăng cường thông tin, truyền thông về diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão và công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả.

Các đơn vị nêu trên tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước