Về nhà - Những cuộc đi tìm... quá khứ

Mạnh Cường - Nguyễn Nga - Phạm Hùng-Thứ tư, ngày 27/07/2022 10:51 GMT+7

VTV.vn - 47 năm sau ngày đất nước thống nhất, thế nhưng, những nỗi đau chiến tranh vẫn còn kéo dài đến tận hôm nay. Và vẫn có những cuộc đi tìm... quá khứ...


Đi tìm nhau suốt chiều dài đất nước

Đi tìm nhau giữa hai đầu trận đánh

Đi tìm nhau... đi mãi mãi không về.

Cho đến nay, sau 47 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, cả nước có gần 1,2 triệu liệt sĩ, trong đó gần 200.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, gần 300.000 hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính, hàng triệu thương, bệnh binh vẫn mang trên mình thương tích của chiến tranh.

Và hôm nay, trong ngày 27 tháng 7 – kỷ niệm 75 năm ngày thương binh, liệt sĩ, tiêu điểm của Chuyển động 24h trưa nay (27/7) sẽ kể về những cuộc hành trình đi qua năm tháng đưa các liệt sĩ trở về, về với mẹ, với vợ, với con, về với gia đình…

Những cuộc đi tìm ấy chỉ với một hy vọng duy nhất, lớn nhất và mãnh liệt nhất - tìm được người thân, người cha, người chồng, người con của mình dù cho chỉ còn 1 tia hy vọng nhỏ nhoi.

CUỘC HỘI NGỘ SAU HƠN 50 NĂM...

Năm 1969, gia đình ông Phùng Văn Sỹ quê Thái Bình nhận được giấy báo tử của Sư đoàn 320 báo tin cha của ông, liệt sĩ Phùng Văn Môn đã hy sinh ngày 2/2/1968 tại mặt trận phía Nam. Giấy ghi: "Thi hài liệt sĩ Môn được an táng chu đáo", nhưng không đề rõ nơi hy sinh và chôn cất. 

Hơn 50 năm đằng đẵng qua đi, điều kỳ diệu cuối cùng cũng đã tới với gia đình ông Sỹ - trong 1 chuyến hành hương tại Quảng Trị. Tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 Quảng Trị, ông Phùng Văn Sỹ đã tìm thấy cha của mình đầy bất ngờ sau hơn nửa thế kỉ tìm kiếm - trong ngôi mộ tập thể 102 liệt sĩ thuộc trung đoàn 64, sư đoàn 320 chính là nơi liệt sĩ Phùng Văn Môn an nghỉ cùng đồng đội.

Đây cũng là lần đầu tiên, sau 57 năm kể từ khi chồng lên đường đi kháng chiến, cụ bà 80 tuổi sẽ được gặp lại chồng mình. 

Dù không đưa được hài cốt của liệt sĩ về quê nhưng gia đình ông Phùng Văn Sỹ cũng đã an lòng vì ông được nằm chung với đồng đội, ở một nghĩa trang khang trang, và từ nay con cháu biết phần mộ để đến hương khói. 

"Người lính ngày ấy chỉ có ao ước cao đẹp nhất là nhanh để giải phóng miền Nam, để về với mẹ".

Về nhà - Những cuộc đi tìm... quá khứ - Ảnh 7.

NGÀY CON VỀ VỚI MẸ...

Chưa tìm thấy người thân thì chưa thể yên lòng, đó có lẽ là tâm trạng chung của người gia đình liệt sĩ. Tại Hà Tĩnh, có 1 người mẹ cũng ngày ngày ngóng trông con trở về dù con đã hóa thành hình đất nước. Bà là Nguyễn Thị Nhàn - người giờ đây đã bước vào tuổi 94, đã không còn minh mẫn nhưng tất cả những kỷ niệm về con trai bà - liệt sĩ Trần Đình Ân - bà nhớ rõ tất cả, chưa từng quên...

Về nhà - Những cuộc đi tìm... quá khứ - Ảnh 9.

Tháng 4/1978, khi vừa tròn 18 tuổi, cậu thanh niên Trần Đình Ân đã rời quê hương xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, lên đường theo tiếng gọi của Tổ Quốc, tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam. 

Những ngày ở mặt trận, binh nhất Trần Đình Ân vẫn gửi thư về nhà. Thế nhưng, cuộc chiến càng ác liệt, những lá thư càng ít đi. Rồi đến một ngày chẳng còn lá thư nào nữa. 

"Viết thư để nghe hắn trả lời nhưng không nghe hắn trả lời lại với tui nên tui nói thằng ni nó nặng rồi chứ không nó đã trả lời" - bà Nhàn nói, nhớ lại những ngày tháng mong mỏi tin con nơi chiến trường - "Mất thư là biết hắn đã chết, rồi thư báo tử gửi về nhà…Tôi nhớ tôi thương hắn khóc thương suốt ngày…".

Nhớ thương đằng đẵng. Mỗi đêm, bà Nhàn đều ngồi trước di ảnh của con cùng với tâm nguyện lớn nhất là được đón con trở về lại quê hương. Con cháu trong gia đìnhcũng đã nhiều lần đi tìm kiếm, thế nhưng, hồ sơ không trùng khớp, ngày con trai trở về với bà vẫn còn xa.

Ý nguyện gia đình tình cờ cũng là ý nguyện của ông Nguyễn Sỹ Hồ. Trong một lần chụp hình mộ liệt sĩ, thấy tên liệt sĩ Trần Đình Ân tại Cần Thơ, ông đã kết nối với quê nhà. Biết được mẹ liệt sĩ vẫn còn sống, ông đã quyết tâm khớp nối các hồ sơ để liệt sĩ trở về.

"Liệt sĩ nào cũng đều hi sinh vì Tổ Quốc nhưng mà khi mình kết nối thành công liệt sĩ còn mẹ thì mình rất là hạnh phúc" - ông Nguyễn Sỹ Hồ cho biết - "Mỗi lần liệt sĩ hồi hương là mình đã đưa được anh linh của liệt sĩ về với tổ tiên và dòng tộc".

Anh Trần Văn Sỹ - em trai của liệt sĩ Trần Đình Ân nói: "Đây là một niềm lớn lao hạnh phúc đối với gia đình chúng tôi, đặc biệt là mẹ chúng tôi. Mẹ là người sinh ra nuôi dưỡng từ bé đến lớn. Đến tuổi trưởng thành con ra đi một cách biền biệt, xa gia đình xa quê hương, vĩnh biệt quê hương, vĩnh biệt mẹ. Nhưng bên cạnh đó chúng tôi cũng rất tự hào, có những cái chết hóa thành bất tử".

Và như vậy, sau hành trình dài hơn 1.500 cây số, liệt sĩ Trần Đình Ân cuối cùng cũng đã trở về với mẹ sau gần nửa thế kỷ.

Tiễn con đi với đủ hình hài, đón con về, con đã hóa thành hình đất nước.

Về nhà - Những cuộc đi tìm... quá khứ - Ảnh 11.

Chiến tranh đi qua, có người trở về với những vết thương, có người mãi mãi nằm lại nơi chiến trường. Có người chúng ta biết mặt biết tên, cũng có những liệt sĩ vô danh không 1 dòng địa chỉ. Nhưng cùng nhau họ làm nên đất nước. Chiến tranh không biết ai là đàn ông ai là phụ nữ, không ai là người già, không biết ai là trẻ nhỏ… nhưng cũng trong chiến tranh, sức mạnh của tình yêu nước, của đức hy sinh trở nên vô hạn…

Trên khắp đất nước Việt Nam, những cuộc tìm kiếm, những khát khao đoàn tụ vẫn từng ngày diễn ra trong những nếp nhà có người thân từng tham gia kháng chiến và nằm lại nơi chiến trường. Những hành trình ấy chưa bao giờ, và không bao giờ dừng lại… Đi tìm nhau là nghĩa, là tình, là để tri ân, và để nhắc nhớ về 1 thời oanh liệt nơi chiến trường và cũng để vơi bớt nhớ thương...

27/7 - Đưa liệt sĩ về nhà.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

về nhà

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước