Từ nhiều năm trước, TP Đà Nẵng đã xây dựng cho mình kế hoạch 10 năm, sau đó là phân kỳ 5 năm và từng năm về cải cách hành chính, trong đó xác định những nội dung cần đột phá. Ví dụ như bộ chỉ số đánh giá xếp hạng kết quả cải cách hành chính đã được áp dụng trong 7 năm qua; sở, ngành đánh giá cho các đơn vị trực thuộc sở; quận, huyện đánh giá cho các xã, phường... Những điều này đã làm cho phong trào cải cách hành chính của Đà Nẵng đều khắp.
Theo kết quả khảo sát, hiện chỉ có khoảng 3% ý kiến chưa hài lòng về dịch vụ hành chính công tại TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, mô hình một cửa tại Trung tâm hành chính của Thành phố có thể khắc phục hạn chế này, để tạo thuận lợi cho cả người dân lẫn doanh nghiệp. Trong đó, Sở Kế hoạch đầu tư của Thành phố là một trong những đơn vị thực hiện liên thông khá tốt.
Phong trào "3 hơn": Nhanh hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn, cũng là một điểm nhấn của nỗ lực cải cách hành chính ở TP Đà Nẵng. Ở phong trào này, yếu tố con người được nhấn mạnh. Bên cạnh việc chấm điểm cán bộ công chức, việc thực hiện hiệu quả khoán biên chế và chi phí hành chính được coi là yếu tố tác động để công chức chính quyền luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình trong các phần việc được phân công; đồng thời tiết kiệm chi phí hành chính và không mở rộng biên chế.
Song hành cùng với nỗ lực cải cách thủ tục, quy trình và thái độ hành chính công vụ, việc TP Đà Nẵng đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin, nhằm hiện đại hóa nền hành chính là một yếu tố tạo thuận nhiều lợi cho người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính. Nhờ đó, trong năm 2015 này, Thành phố đã thí điểm việc luân chuyển văn bản điện tử giữa các sở, ngành và thực hiện 500 dịch vụ công trực tuyến.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!