Vì sao không cố định lịch nghỉ Tết Nguyên đán?

Thuỳ An-Thứ bảy, ngày 30/09/2023 19:19 GMT+7

VTV.vn - Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc định kỳ mỗi năm đều lập phương án nghỉ Tết Nguyên đán nhằm tính toán có lợi nhất cho người lao động.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 30/9, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đã lý giải nguyên do định kỳ mỗi năm đều lập phương án nghỉ Tết Nguyên đán và xin ý kiến các đơn vị, thay vì quy định thống nhất cho nhiều năm.

Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, về mặt cơ sở pháp lý, tại Khoản 3, Điều 112 Bộ Luật Lao động quy định, hàng năm, dựa vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định ngày nghỉ Tết Âm lịch và ngày Lễ Quốc khánh.

Do đó, định kỳ hàng năm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu cho Thủ tướng quyết định lịch nghỉ Tết Âm lịch và Lễ Quốc khánh trên cơ sở ý kiến của các bộ ngành trung ương. Theo quy định, Tết Âm lịch được nghỉ 5 ngày và Lễ Quốc khánh được nghỉ 2 ngày.

Vì sao không cố định lịch nghỉ Tết Nguyên đán? - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết việc định kỳ mỗi năm đều lập phương án nghỉ Tết Nguyên đán nhằm tính toán có lợi nhất cho người lao động

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, về thực tiễn, lịch nghỉ Tết Âm lịch và Lễ Quốc khánh không cố định, đồng thời xen kẽ với các ngày nghỉ hàng tuần (Thứ 7, Chủ nhật). Do vậy, phải đưa ra phương án để xin ý kiến nhiều bên liên quan và lựa chọn phương án phù hợp, tối ưu nhất, có lợi cho người lao động, các đơn vị doanh nghiệp và hài hòa lợi ích giữa các đối tượng.

"Cơ quan xây dựng đề xuất lịch nghỉ, cân nhắc tính toán sao cho có lợi nhất cho người lao động, người lao động là trung tâm", Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết.

Vì sao không cố định lịch nghỉ Tết Nguyên đán? - Ảnh 2.

Bộ Nội vụ đồng ý với phương án nghỉ Tết Nguyên đán năm 2024 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, theo đó thời gian nghỉ kéo dài 7 ngày từ ngày 29 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng.

Trước đó, trong dự thảo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội lấy ý kiến các bộ, ngành để trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án nghỉ Tết Nguyên đán năm 2024, Bộ đưa ra 2 phương án nghỉ Tết đều kéo dài 7 ngày, chỉ khác thời điểm bắt đầu nghỉ Tết.

- Phương án 1 là cán bộ, công chức, viên chức nghỉ 7 ngày từ thứ Năm ngày 8/2/2024 đến hết thứ Tư ngày 14/2/2024 (tức ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn).

Với phương án này, dịp Tết Nguyên đán 2024, công chức, viên chức sẽ được nghỉ 2 ngày trước Tết và 5 ngày Tết (bao gồm 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán và 2 ngày nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần).

- Phương án 2, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề xuất nghỉ kéo dài 7 ngày nhưng nghỉ 1 ngày trước Tết và 6 ngày Tết. Theo đó, công chức, viên chức nghỉ từ thứ Sáu ngày 9/2/2024 đến hết thứ Năm ngày 15/2/2024 (tức ngày 30 tháng Chạp năm Quý Mão đến hết ngày mùng 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn).

Với phương án 2, dịp Tết Nguyên đán, công chức, viên chức cũng sẽ được nghỉ 7 ngày (bao gồm 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán và 2 ngày nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần).

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cả hai phương án đề xuất đều có số ngày nghỉ bằng nhau nhưng Bộ này đề xuất chọn phương án 1 cho lịch nghỉ của cán bộ, công chức, viên chức vì đảm bảo hài hòa thời gian nghỉ trước và sau Tết.

Sau khi nhận được công văn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về 2 phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2024, Bộ Nội vụ đã nghiên cứu dự thảo văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ. Theo dự thảo, Bộ Nội vụ thống nhất phương án 1 theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Theo phương án này, cán bộ, công chức, viên chức nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 từ ngày 8/2/2024 (29 tháng Chạp) đến hết ngày 14/2/2024 (mùng 5 tháng Giêng), tổng số ngày nghỉ là 7 ngày.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước