Hơn 80.000 tấn rác xả ra môi trường mỗi ngày, trong khi việc xử lý rác vừa thiếu, vừa yếu khiến tình trạng rác thải ùn ứ tại nhiều địa phương. Đây là thông tin được đưa ra tại phiên giải trình. Tại đây, các đại biểu đã chỉ ra nhiều vấn đề bất cập trong lĩnh vực này và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà làm rõ.
Ông Nguyễn Văn An, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình nêu vấn đề: ''Nhiều địa phương tồn tại các bãi rác tạm và các điểm tập kết rác thải không đảm bảo hợp vệ sinh môi trường. Tôi đề nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết Bộ đã chỉ đạo việc kiểm tra, thanh tra, giải quyết các vấn đề về các bãi rác thải tạm như thế nào?"
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: "Có những việc chúng tôi đã kiểm tra, chúng tôi đã yêu cầu đóng cửa, tạm dừng nhưng thực tế đây là vấn đề liên quan rất lớn đến xã hội, vấn đề chúng ta không thể dừng được một ngày. Phải có lộ trình, phải có bài bản, bước đi để thay đổi".
Theo ông Tráng A Dương, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang: ''Các tỉnh đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay hầu như không chôn lấp mà chỉ đổ vào ở một khu vực nào đó thoáng hoặc không có dân cư. Bộ trưởng có giải pháp gì để triển khai việc thu gom chất thải để chôn lấp đối với các tỉnh?".
''Không phải là chôn lấp và cũng không phải hoàn toàn là lò đốt mà quan trọng nhất là chúng ta phải có ý thức để phân loại, tái chế, tái sử dụng, tức là phải xử lý nó, biến thành năng lượng. Phương án chôn lấp như hiện nay Luật 2020 đã khẳng định không'', Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định.
Để triển xử lý hiệu quả chất thải rắn sinh hoạt thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị ngành tài nguyên môi trường chủ động cập nhật các công nghệ tiên tiến của thế giới; chính quyền các tỉnh, thành phố cần quan tâm ứng dụng công nghệ xử lý rác thải mới, thân thiện với môi trường…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!