Dù một số quốc gia trên thế giới đã cho thấy kết quả tích cực trong việc kiểm soát đà lây lan của dịch COVID-19, tuy nhiên, dịch bệnh này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ với những làn sóng lây nhiễm mới.
Mỹ hiện vẫn là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 trên thế giới với khoảng 20.000 ca mắc mới COVID mỗi ngày. Đặc biệt trong ngày 14/6, số ca mắc mới tại nhiều bang đã tăng cao kỷ lục. Số liệu trên làm dấy lên lo ngại về làn sóng bùng phát dịch thứ hai khi các bang chuẩn bị cho mở cửa hoàn toàn nền kinh tế.
Tại một loạt quốc gia châu Á, diễn biến dịch đang có dấu hiệu phức tạp làm dấy lên lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai. Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ tái bùng phát dịch COVID-19 ở nước này sau khi Thủ đô Tokyo ngày 14/6 xác nhận có thêm 47 ca mắc mới COVID-19 chỉ trong 1 ngày. Đây là lần đầu tiên trong gần một tháng qua Tokyo ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh.
Tại quốc gia láng giềng Hàn Quốc, tình hình cũng đáng lo ngại khi ghi nhận thêm 34 ca mắc mới trong ngày 14/6, chủ yếu tập trung ở thủ đô Seoul và các vùng phụ cận nơi chiếm tới gần nửa dân số nước này.
Tại Trung Quốc, sau một thời gian dài kiểm soát được dịch bệnh, thủ đô Bắc Kinh lại trở thành điểm nóng về làn sóng COVID-19 thứ hai. Trong 3 ngày qua, thành phố này liên tiếp phát hiện các ca bệnh mới trong cộng đồng, đặc biệt là ổ dịch từ chợ đầu mối Tân Phát Địa. Trong khi đó, một số nước ở Đông Nam Á như Indonesia, Philippines vẫn tiếp tục ghi nhận thêm hàng trăm ca mắc và tử vong do COVID-19 mỗi ngày, trong bối cảnh các nước này đang dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch.
Trong khi đó, tại Việt Nam, hôm nay (15/6) tròn 60 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, 97% số ca mắc đã khỏi bệnh. Trong tổng số 334 ca mắc COVID-19 tại Việt Nam có 194 trường hợp được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. 323 ca đã được điều trị khỏi. Hiện chỉ còn 11 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 4 người đã có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Việt Nam đã thực sự an toàn hay chưa khi tình hình COVID-19 trên thế giới vẫn phức tạp? Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng, Bộ Y tế cho rằng: "60 ngày qua, Việt Nam không có ca lây nhiễm cộng đồng là sự thành công rất lớn. Việc ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch được tiến hành quyết liệt là giải pháp ổn định và được thế giới đánh giá cao.
Chúng ta đã có kinh nghiệm. Nguồn lực của chúng ta đã chuẩn bị tương đối tốt. Tuy vậy chúng ta không nên lơ là, chủ quan bởi như Trung Quốc, chỉ lơ là, chủ quan một điểm nào đó là dịch bùng phát".
Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu: "Trong thời gian tới, chúng ta vẫn phải quản lý chặt chẽ những trường hợp nhập cảnh và nếu phát hiện dương tính phải cách ly ngay. Tăng cường giám sát, phát hiện đặc biệt những trường hợp trong cộng đồng có ho, sốt, khó thở vào bệnh viện phát hiện được, nếu có ca bệnh khoanh vùng, dập dịch ngay. Thực hiện tất cả các hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế".
Như vậy, tinh thần chống dịch là không thể lơi lỏng ngay cả tại những nước đã được cho là bước đầu ngăn chặn dịch thành công. Không chỉ là làn sóng thứ hai, không ít chuyên gia lo ngại dịch COVID-19 có thể quay đi quay lại. Trong bối cảnh vaccine vẫn đang trong quá trình nghiên cứu thử nghiệm, một loại thuốc điều trị được công nhận rộng rãi cũng chưa có thì ngăn chống dịch hiệu quả vẫn là phát hiện, cách ly và đảm bảo giãn cách an toàn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!