Việt Nam có gần 250.000 người đang sống chung với HIV

VTV Digital-Thứ hai, ngày 27/11/2023 14:19 GMT+7

VTV.vn - Gần 90% số bệnh nhân nhiễm HIV mới, đang điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai thuộc nhóm quan hệ tình dục không an toàn.

Việt Nam ước tính có gần 250.000 người đang sống chung với HIV. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm nay, cả nước ghi nhận hơn 10 nghìn ca mắc mới và chủ yếu là người trẻ. Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, nếu như trước đây, lây nhiễm HIV chủ yếu trong nhóm nghiện chích ma túy thì hiện đã có sự biến đổi hình thái lây nhiễm từ đường máu sang lây qua đường tình dục.

Trong đó, nhóm MSM (nam quan hệ đồng giới) và nhóm chuyển giới (TG) đang là nhóm chiếm tỷ lệ lớn trong số người nhiễm HIV mới. Chúng ta đặt mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030… nhưng với số ca mắc gia tăng như hiện nay thì cuộc chiến chống dịch vẫn còn là thách thức. Nhất là khi các nhóm nguy cơ này vẫn "ẩn nấp", chưa thực sự" lộ diện" để tiếp cận các dịch vụ y tế.

Báo động lây nhiễm HIV trong nhóm đồng giới nam và chuyển giới

Cũng bởi chủ quan nên không ít người bỏ qua các các biện pháp dự phòng. Chỉ khi nhận được kết quả xét nghiệm thì sự thật lại quá phũ phàng.

Việt Nam có gần 250.000 người đang sống chung với HIV - Ảnh 1.

Không biết lây từ đâu và từ lúc nào… gần 90% số bệnh nhân nhiễm HIV mới, đang điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai thuộc nhóm quan hệ tình dục không an toàn. Trong đó, chủ yếu là thanh niên trẻ, có quan hệ cùng lúc với nhiều người đồng giới nên bị nhiễm HIV. Đáng nói, rất nhiều người phát hiện muộn dẫn đến việc điều trị khó khăn.

PGS.TS. Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Một phần thanh niên lại có quan niệm là: Lây HIV không sợ đâu, có thuốc rồi. Giới trẻ hiện nay suy nghĩ rất thoáng như thế. Các bệnh nhân đến nhập viện với chúng tôi thì HIV vẫn là vấn đề nan giải vì khi đến với giai đoạn muộn của suy giảm miễn dịch và nhiễm trùng cơ hội vẫn rất là nhiều và vẫn có tỷ lệ tử vong trên bệnh nhân HIV".

Gia tăng tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM và TG

Trong báo cáo về tình hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam, tỷ lệ mới phát hiện nhiễm HIV trong nhóm nam cao hơn rất nhiều so với nữ, đặc biệt là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Đường lây chủ yếu là qua quan hệ tình dục không an toàn. Tỷ lệ này có xu hướng tăng rõ rệt trong thời gian qua, cũng như dự báo dịch HIV trong thời gian tới. Cụ thể, tăng từ 7,4% năm 2016 lên 12,5% năm 2022.

Kết quả các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng, nhóm người chuyển giới nữ (TG) cũng là một trong những nhóm được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV với tỷ lệ hiện nhiễm HIV tại Hà Nội là 5,8% năm 2022, tại TP Hồ Chí Minh tỷ lệ này là 16,5% vào năm 2020. Một nghiên cứu mới đây cũng cho thấy người chuyển giới nữ là đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV cao gấp 66 lần so với nhóm cộng đồng chung.

Việt Nam có gần 250.000 người đang sống chung với HIV - Ảnh 2.

Rào cản tiếp cận dịch vụ dự phòng HIV

Không phải dễ dàng thành lập được các nhóm cộng đồng bởi đây là mô hình dịch mới nổi. Cho nên, không phải địa phương nào cũng triển khai được mô hình để thu hút tiếp cận viên và người tham gia. Do đó, vẫn còn gần 20.000 người nhiễm HIV chưa được quản lý. Làm thế nào để đa dạng các mô hình cung cấp dịch vụ y tế phù hợp cho từng nhóm nguy cơ thì vẫn là bài toán nan giải.

Hoạt động hơn chục năm, đã tổ chức nhiều sự kiện để thu hút khách hàng nhưng các thành viên trong nhóm Cát Trắng vẫn rất khó để tiếp cận với các bạn trong nhóm MSM và TG. Nhất là việc chăm sóc sức khỏe lâu dài.

Sự kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo lực với người chuyển giới hiện khá phổ biến. Thế nên, dù có nhiều mô hình can thiệp dự phòng HIV ở nhóm chuyển giới được thành lập nhưng việc tiếp cận các đối tượng này tham gia vẫn còn nhiều khó khăn.

Bước qua rào cản

Chịu sự kỳ thị xã hội, thiếu quy định pháp lý đặc thù, thiếu chăm sóc y tế, hiếm cơ hội việc làm… không ít những người đồng tính, song tính và người chuyển giới đang phải gặp nhiều khó khăn. Tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị khiến những người trong nhóm nguy cơ cao dễ lây nhiễm HIV hơn. Thực tế vẫn còn nhiều rào cản trên hành trình họ hòa nhập cộng đồng. Họ vẫn luôn phải đấu tranh tìm bình đẳng để được xã hội thừa nhận.

Câu chuyện hy hữu tại một gia đình có anh chuyển giới thành nữ, em chuyển giới thành nam. Số phận như thử thách họ để được sống là chính mình.

Việt Nam có gần 250.000 người đang sống chung với HIV - Ảnh 3.

Kim và Nhi Bình ở Hải Phòng xem đây như là phép thử mà ông trời đem xuống cho 2 chị em. Kim chia sẻ cô biết em mình nó có một con người khác ở bên trong. Điều đầu tiên là Kim cho Bình Nhi đi cắt tóc.

Kim xúc động cho biết: "Thực sự Kim nghĩ rằng bố mẹ Kim đã phải rất mạnh mẽ. Mẹ nói rằng một mình con là được rồi. Giờ cả em nữa thì mẹ sống làm sao được đây. Mẹ đòi tự tử. Mẹ còn mặt mũi để nhìn ai nữa. Mẹ sau đó đã gọi là rằng mẹ bình tĩnh rồi và mẹ sẵn sàng lắng nghe câu chuyện của con".

Con sẽ vẫn hạnh phúc dù không ở trong hình hài bố mẹ trao cho. Nhưng cả khi bước qua cánh cửa gia đình thì những rào cản chối bỏ từ xã hội lại xuất hiện. Bị mọi người kỳ thị, không có việc làm… chưa giây phút nào những người chuyển giới có thể thoải mái được là chính mình, khi phải sống song song hai thế giới.

Có người phải dừng lại, gác bỏ khát khao được sống 1 cuộc đời như mình muốn. Nhưng vẫn còn đó những người đấu tranh miệt mài từng ngày để được là chính mình. Họ xứng đáng được thấu hiểu hơn là phân biệt, kỳ thị.

Phòng chống HIV/AIDS: Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức Phòng chống HIV/AIDS: Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức

VTV.vn - Năm 2023 Việt Nam chọn chủ đề Tháng hành động Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS là "Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước