Năm 2020, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Khánh Hòa tiếp tục phát hiện nhiều trường hợp bệnh nhân lao kháng thuốc dù chưa điều trị lần nào. Theo đó, các trường hợp này đã bị lây nhiễm từ các bệnh nhân lao kháng thuốc trong cộng đồng.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, trong số hơn 1.400 bệnh nhân lao, có đến 51 trường hợp bệnh nhân lao kháng thuốc, nhiều trường hợp bệnh lao kháng thuốc rơi vào những người trẻ.
Lao kháng thuốc hết sức nguy hiểm và gây nhiều tốn kém trong điều trị. (Ảnh: TTXVN)
Các bác sĩ cho rằng, chính việc tự ý giảm liều, không dùng đủ các loại thuốc theo phác đồ điều trị, ngừng thuốc khi chưa đủ thời gian điều trị hoặc điều trị không liên tục là nguyên nhân khiến vi khuẩn lao kháng với thuốc chống lao. Ở Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân lao bỏ điều trị trong năm nay vẫn còn ở mức cao, khoảng hơn 15%. Thực tế này càng đáng lo ngại hơn khi việc phát hiện, điều trị bệnh nhân lao bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Đến nay, bệnh lao vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong số các bệnh truyền nhiễm. Mỗi năm, cả nước có khoảng 126.000 bệnh nhân mắc lao mới và 13.000 người tử vong do bệnh lao. Nếu không khống chế tỷ lệ mắc lao kháng thuốc, sẽ khó kéo giảm số người chết do lao, chưa kể gánh nặng chi phí trong quá trình điều trị.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!