Xác định công tác phòng, chống mua bán người là một nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh các nỗ lực ngăn ngừa loại hình tội phạm này.
Về chính sách, tháng 2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Từ năm 2020, Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng được được sửa đổi, thông qua. Hệ thống quy phạm pháp luật thường xuyên được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện.
Công tác điều tra, truy tố và xét xử tội phạm mua bán người được đẩy mạnh. Lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng và các lực lượng liên quan đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường hợp tác quốc tế đấu tranh với tội phạm mua bán người. 6 tháng đầu năm 2022, đã phát hiện, điều tra, phá 33 vụ, với 75 đối tượng liên quan loại hình tội phạm này.
Lực lượng chức năng Việt Nam tiếp nhận em bé bị bán sang Trung Quốc. Ảnh (tư liệu): Nguyễn Hoàng/TTXVN
Công tác tuyên truyền cũng được triển khai đồng bộ. Các thông điệp phòng chống mua bán người được lồng ghép vào các chương trình giáo dục. Hơn 1.000 lớp tập huấn, hơn 100 nghìn sự kiện truyền thông cộng đồng về phòng chống mua bán người cũng được triển khai chỉ trong 3 năm qua.
Trên bình diện quốc tế, Việt Nam là thành viên Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người; tham gia Nghị định thư về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc mua bán người… Việt Nam đã tích cực trao đổi kinh nghiệm, biện pháp đấu tranh, chia sẻ các nỗ lực trong phòng, chống mua bán người cho cộng đồng quốc tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!