Việt Nam sớm tiếp cận nhiều nguồn vaccine COVID-19, chủ động sản xuất vaccine trong nước

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 04/07/2021 20:26 GMT+7

VTV.vn - Tại Việt Nam, bên cạnh nguyên tắc 5K, vaccine COVID-19 được coi là chìa khóa căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định và có tính chiến lược để thoát khỏi dịch bệnh.

8 triệu liều vaccine được nhập về Việt Nam trong tháng 7

Hiện nay, tại nhiều quốc gia trên thế giới, đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, và tại Việt Nam cũng vậy. Nhiều biện pháp chống dịch cả trước mắt lẫn lâu dài đang được triển khai kiên quyết. Cả hệ thống chính trị đang vào cuộc quyết liệt để nhanh chóng tiếp cận các nguồn vaccine COVID-19 của thế giới cũng như chủ động sản xuất vaccine trong nước. Mục tiêu cuối cùng là tiêm đủ vaccine cho toàn dân với tiêu chí an toàn, hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Việt Nam sớm tiếp cận nhiều nguồn vaccine COVID-19, chủ động sản xuất vaccine trong nước - Ảnh 1.

400.000 liều vaccine COVID-19 trong tổng số 1 triệu liều mà Nhật Bản tặng thêm cho Việt Nam đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất.

Chủ trương sớm tiếp cận vaccine phòng COVID-19 đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định, cùng với đó là những nguồn lực được chuẩn bị sẵn sàng. Thường trực Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt, dành 12.000 tỷ đồng để nhập vaccine tiêm cho người dân.

Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 hiện nay đã nhận được sự đóng góp hơn 8.000 tỷ đồng. Nguồn tài chính đã sẵn sàng và song song với đó là các nỗ lực ngoại giao nhằm giúp Việt Nam tiếp cận được nguồn vaccine trên thế giới

Tại các cuộc điện đàm giữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hay cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Chủ tịch Hạ Viện Australia Tony Smith, một thông điệp chung được chia sẻ, đó là mong muốn các quốc gia tạo thuận lợi để Việt Nam tiếp cận nguồn cung cũng như công nghệ sản xuất vaccine phòng COVID-19.

Đến nay, đã có 4,2 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong đó, COVAX đã cung cấp 2,5 triệu liều vaccine Astrazeneca, Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ 1,2 triệu liều, Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ 500.000 liều, Hệ thống tiêm chủng VNVC cung cấp hơn 400.000 liều. Dự kiến, trong tháng 7, sẽ có khoảng 8 triệu liều vaccine được nhập về Việt Nam.

Giải pháp căn cơ là phát triển vaccine trong nước

Việt Nam sớm tiếp cận nhiều nguồn vaccine COVID-19, chủ động sản xuất vaccine trong nước - Ảnh 2.

Nhân viên y tế tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax cho tình nguyện viên tại huyện Văn Lâm. Ảnh: TTXVN.


Chiến lược ngoại giao vaccine đã mang lại hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, lượng vaccine này chưa thể giúp cho Chiến lược vaccine của Việt Nam về đích bởi theo tính toán, nước ta cần tới 150 triệu liều vaccine để tiêm cho 70% dân số. 

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, nguồn cung vaccine hiện đang bị thiếu hụt nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, và điều này ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vaccine của Việt Nam.

Một giải pháp căn cơ lâu dài là phải phát triển vaccine trong nước. Vì vậy, ngay từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chi 200 tỷ đồng để tài trợ cho các đơn vị nghiên cứu vaccine. Nhất quán trong chủ trương phát triển vaccine trong nước, Chính phủ đã có các chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine trong nước.

Liên tục trong thời gian qua, kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại những điểm nóng như các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, cũng như làm việc với nhà khoa học, thị sát tại các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để sớm có được nguồn vaccine sản xuất trong nước.

An toàn tiêm chủng phải được đặt lên hàng đầu

Có được những liều vaccine quý giá khi tình hình khan hiếm đang diễn ra trên toàn cầu là nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, sự chung tay của người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, có được vaccine rồi, việc tổ chức tiêm chủng hiệu quả an toàn và đúng tiến độ lại đặt ra những thách thức mới cần sớm được tháo gỡ. Đó là nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận người dân về chất lượng cũng như cách thức tiêm vaccine.

Với mục tiêu tiêm mũi nào an toàn mũi đấy, Bộ Y tế đã xây dựng quy trình chặt chẽ từ vấn đề bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm, ứng dụng công nghệ thông tin và cả công tác truyền thông cho chiến dịch. Đặc biệt, vấn đề an toàn tiêm chủng phải được đặt lên hàng đầu, tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc "tiêm đến đâu, an toàn đến đó".

Việt Nam đang đặt mục tiêu từ nay đến quý I/2022, nước ta sẽ tạo được miễn dịch cộng đồng tức là sẽ có hơn 70 triệu người dân được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Rõ ràng vaccine sẽ là vũ khí tạo ra sự đột phá trong chặn đứng dịch bệnh để có thể tập trung cho phát triển kinh tế - xã hội. Hàng nghìn tỷ đồng đã được doanh nghiệp, người dân đóng góp vào quỹ vaccine phòng chống COVID-19 và con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên hàng ngày, hàng giờ, cho thấy lòng tin của người dân, doanh nghiệp vào Đảng, Nhà nước cũng như tin tưởng vaccine sẽ giúp chúng ta thoát dịch nhanh nhất.

Tới đây, với lượng vaccine COVID-19 có được, một lần nữa sự tin tưởng, sáng suốt của người dân dưới sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng sẽ đóng vai trò quyết định cho một chiến dịch tiêm chủng an toàn và hiệu quả, để tất cả chúng ta cùng trở lại một cuộc sống bình thường.

400.000 liều vaccine COVID-19 Nhật Bản tặng đã đến TP Hồ Chí Minh 400.000 liều vaccine COVID-19 Nhật Bản tặng đã đến TP Hồ Chí Minh Tự chủ vaccine COVID-19: Từ vaccine 'Made in Vietnam' đến sản xuất vaccine Nga, Cuba Tự chủ vaccine COVID-19: Từ vaccine "Made in Vietnam" đến sản xuất vaccine Nga, Cuba Sẵn sàng năng lực sản xuất 100 triệu liều vaccine Nanocovax mỗi năm Sẵn sàng năng lực sản xuất 100 triệu liều vaccine Nanocovax mỗi năm

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước