Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao

P.V-Thứ bảy, ngày 11/12/2021 18:07 GMT+7

Báo cáo tổng kết hoạt động phòng chống lao năm 2021 cho thấy chương trình bị ảnh hưởng rất lớn do dịch COVID - 19

VTV.vn - Báo cáo của WHO cho thấy, Việt Nam hiện đứng thứ 10 về số người bệnh và thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.

Ngày 10/12/2021, Chương trình Chống lao Quốc gia tổ chức "Giao ban toàn quốc tổng kết hoạt động phòng chống lao năm 2021".

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, kể từ thời điểm cuối tháng 4 năm 2021, bắt đầu giai đoạn 4 của đại dịch COVID-19 tại Việt Nam, với quy mô đại dịch lớn nhất từ trước đến nay tại nước ta, sự ảnh hưởng là không thể tránh khỏi và đã làm gián đoạn hoạt động của Chương trình chống Lao Quốc gia (CTCLQG ) nhiều nhất kể từ đầu năm 2020. Nhiều cơ sở y tế đã tăng ca làm việc để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh, sàng lọc, tổ chức cách ly, giám sát và điều trị bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm COVID-19. Giai đoạn tấn công lần 4 của COVID-19, thảm họa này tập trung vào đại đa số các tỉnh khu vực phía Nam và bắt đầu lan rộng trên toàn quốc. Với nguồn nhân lực có hạn, để đảm bảo sự ổn định của hoạt động chống lao, y tế dự phòng nên nhiều đơn vị đều lâm vào tình trạng thiếu nhân lực cho các hoạt động thường quy của chương trình, một số hoạt động tại một số tỉnh còn chưa thể triển khai theo kế hoạch (phát hiện chủ động, xét nghiệm, chẩn đoán, kiểm soát nhiễm khuẩn...) do việc thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng tại nhiều tỉnh, với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Số lượng người đến khám bệnh, chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế hiện đang giảm mạnh, đặc biệt trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, lên đến 50-70% ở nhiều nơi. Việc này một mặt sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người có bệnh khi tự chữa bệnh tại nhà, mặt khác có thể tác động đến tất cả các đơn vị tự chủ trong hệ thống chương trình chống lao. Số lượng bệnh nhân tiếp cận các cơ sở giảm, việc thực hiện các hoạt động của chương trình cũng không được diễn ra, nên tình hình phát hiện bệnh nhân, công tác điều trị, đảm bảo việc tuân thủ điều trị thông qua hỗ trợ, giám sát, bệnh nhân lao tái khám, lĩnh thuốc,… tất cả đều không được thực hiện một cách chính xác và đầy đủ. Bên cạnh đó, hoạt động bị đình trệ, thiếu cán bộ triển khai nên số liệu của CTCLQG và Dự án Quỹ Toàn cầu (QTC) đến thời điểm này đều chưa được cập nhật đầy đủ. Chất lượng hoạt động trong 10 tháng đầu năm 2021 của CTCLQG và Dự án QTC đã bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng.

Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao - Ảnh 1.

Hội nghị có lãnh đạo Bộ Y Tế, đại diện các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, Chương trình chống lao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tham dự trực tuyến), các đối tác trong nước và quốc tế

CTCLQG đối diện nhiều khó khăn trong đại dịch

Theo báo cáo của WHO năm 2020, Việt Nam xếp thứ 10 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới và xếp thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu.

Dịch COVID – 19 đã khiến ngành y tế nói chung và ngành lao nói riêng đều chịu các tác động không nhỏ, ảnh hưởng lớn đến công tác thường quy và các kế hoạch hoạt động trong năm 2021. Bệnh nhân không tiếp cận các cơ sở y tế do sợ lây nhiễm, phải làm xét nghiệm COVID-19 trước khi khám tại một số cơ sở. Giãn cách xã hội cũng làm giảm khả năng đi lại và tiếp cận. Nhiều bệnh viện, cơ sở y tế bị chuyển đổi công năng thành cơ sở điều trị COVID-19, cán bộ làm công tác chống lao phải song song thực hiện các hoạt động phòng chống COVID-19. Các hoạt động tại cộng đồng không thể hoặc hạn chế triển khai do không được phép tập trung đông người.

Theo báo cáo từ CTCLQG, trong 10 tháng đầu năm 2021, với đợt tấn công lần thứ 4 của dịch bệnh COVID-19, gây ra những biến động trong xã hội, sự giãn cách xã hội bắt buộc đối với toàn quốc trên quy mô lớn nhất từ trước đến nay, số liệu phát hiện của CTCLQG sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2020, với 62.998 bệnh nhân được phát hiện so với 82.368 bệnh nhân 10 tháng đầu năm 2020 (giảm 23,52%). Tỷ lệ phát hiện tất cả các bệnh nhân mới và tái phát 10 tháng đầu năm là 61,5/100.000 dân, chỉ đạt 52,2% chỉ tiêu kế hoạch phát hiện cả năm (117,9/100.000 dân), đặt ra rất nhiều khó khăn và thách thức cho năm 2021.

Cung ứng thuốc chống lao, sinh phẩm xét nghiệm gặp nhiều khó khăn. Chậm các hoạt động nhận hàng (sinh phẩm, module, bộ hiệu chuẩn máy) theo dự kiến. Thuốc chống lao hàng 1 không đảm bảo số lượng dự trữ theo quy định dẫn tới rất nhiều khó khăn trong công tác phân phối và điều phối thuốc trong toàn tuyến. Việc triển khai phân phối, lắp đặt máy móc xét nghiệm cũng bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước