Ảnh minh họa. Ảnh: Chinhphu.vn
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời, đến hết năm 2025, tỉnh phấn đấu có 3/7 huyện, thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 74/87 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 85%), trong đó có 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tổng nhu cầu vốn từ ngân sách tỉnh dự kiến để hoàn thành các mục tiêu là hơn 2.026 tỷ đồng.
Để thực hiện hiệu quả kế hoạch đề ra, Vĩnh Long tập trung mọi nguồn lực và tạo điều kiện thu hút, kêu gọi nhà đầu tư xây dựng các tiêu chí hạ tầng tại các xã. Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được tỉnh gắn với phát triển đô thị, nhất là hạ tầng giao thông, trường học, điện, y tế, nước sạch, cơ sở vật chất văn hóa... để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân nông thôn.
Bên cạnh phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tỉnh đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao thu nhập cho người dân. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án "Mỗi xã một sản phẩm", chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với xây dựng thương hiệu và kết nối thị trường tiêu thụ. Tỉnh tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Vĩnh Long chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng gắn với triển khai các mô hình, dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cụ thể, theo nhu cầu hoặc dự án đầu tư ở nông thôn của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế. Tỉnh tập trung giải quyết vấn đề thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý môi trường trong sản xuất và trồng cây phủ xanh các công trình công cộng để tạo cảnh quan nông thôn thực sự "xanh - sạch - đẹp".
Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Vĩnh Long đã huy động trên 4.324 tỷ đồng để thực hiện chương trình nông thôn mới, trong đó vốn lồng ghép từ ngân sách tỉnh chiếm 67,4%, vốn huy động từ các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và các nguồn hợp pháp khác chiếm 4,7%... Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 66/87 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 75,9% số xã toàn tỉnh); 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; bình quân đạt 17,82 tiêu chí/xã. Hiện tỉnh có một đơn vị cấp huyện là thị xã Bình Minh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng công nhận huyện Bình Tân đạt chuẩn nông thôn mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!