Nhà văn hóa thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường vốn đã khá khang trang nhưng chỉ vài tháng nữa sẽ càng nổi bật hơn bởi khu thể thao và cảnh quan xung quanh đã được quy hoạch xây dựng, tổng diện tích sẽ tăng gấp 3. Không chỉ có vậy, lần đầu tiên sẽ có khu trưng bày, trải nghiệm cho du khách khi tới làng nghề rèn lâu đời. Lý Nhân không chỉ là nơi cung cấp mặt hàng rèn mà sẽ là một địa chỉ du lịch văn hóa.
''Làng văn hóa kiểu mẫu sẽ đưa tầm vóc của làng nghề lên. Chúng tôi là những nghệ nhân, thợ giỏi của làng rất phấn khởi, có cơ hội để quảng bá sản phẩm của mình", ông Nguyễn Văn Trọng, nghệ nhân làng Bàn Thạch, xã Lý Nhân cho biết.
Bắt đầu từ năm nay, mỗi huyện, thị trong tỉnh Vĩnh Phúc sẽ lựa chọn một vài làng tiêu biểu để đầu tư thành làng văn hóa kiểu mẫu. Trước mắt sẽ gây dựng 28 làng văn hóa kiểu mẫu trong toàn tỉnh. Ngân sách hỗ trợ ban đầu 20 tỷ đồng cho mỗi mô hình, cơ bản để xây dựng hạ tầng. Còn chọn đặc trưng văn hóa nào, hướng phát triển thế nào, vận hành ra sao do chính người dân đảm nhiệm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: ''Cái mới của làng nghề kiểu mẫu là việc tỉnh đầu tư đồng bộ, đầy đủ tất cả các thiết chế văn hóa, thể thao, tâm linh phù hợp với vùng miền. Bên cạnh đó tỉnh sẽ đầu tư cơ chế hỗ trợ, giúp người dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ chính làng văn hóa kiểu mẫu này''.
Một mô hình chưa có tiền lệ, vừa làm vừa lắng nghe, đúc rút kinh nghiệm nhưng tỉnh Vĩnh Phúc kỳ vọng chỉ một vài năm nữa sẽ hình thành những ngôi làng giàu có gắn với nghề rèn, nghề gốm hay các di tích độc đáo. Điều quan trọng nhất là chính người dân tham gia xây dựng, vận hành và thụ hưởng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!