Voọc mông trắng "sống chung" với mìn và bụi đá

Nguyễn Sơn-Thứ tư, ngày 07/04/2021 06:00 GMT+7

Tự động phát sau
3
Current Time0:00
/
Duration0:00
0:00

VTV.vn - Dù nằm trong danh sách 25 loài động vật nguy cấp nhất thế giới nhưng quần thể voọc mông trắng gần 100 con ở huyện Kim Bảng có nguy cơ biến mất do hoạt động khai thác đá.

Đều đặn hàng ngày, những cỗ máy hì hục khoan sâu hàng chục lỗ đặt mìn vào trong lòng núi. 11h30 phút trưa, những tiếng nổ long trời lở đất làm cả cánh rừng rung chuyển khiến đàn voọc sống cách đó vài trăm mét vội vã tìm chỗ ẩn nấp. Là loài linh trưởng đặc hữu, chỉ có duy nhất tại Việt Nam và nằm trong top 10 danh sách các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới, thế nhưng đàn voọc mông trắng ở Kim Bảng lại đang phải sống trong môi trường ô nhiễm nghiêm trọng. Một ngày 2 lần nổ mìn cũng khiến lũ voọc thay đổi dần tập tính sinh hoạt, tất cả đều được những người gác voọc như anh Dương quan sát thấy hàng ngày.

"Nó báo động cho nhau, nó kêu bin bin khoảng 5 phút để gọi nhau đi trốn" - anh Bùi Quốc Dương - Tổ bảo vệ rừng cộng đồng huyện Kim Bảng - Hà Nam cho biết.

Những công trường khai thác đá lấn sâu vào các cánh rừng trên núi đá vôi khiến cho sự xuất hiện của loài voọc quý hiếm này ngày càng thưa thớt dần. Từ chỗ có hàng nghìn con sinh sống dọc các cánh rừng thuộc Hà Nam, Hòa Bình, Hà Nội, Thanh Hóa… đến nay cả thế giới chỉ còn hơn 300 con voọc mông trắng. Khác với quần thể voọc mông trắng Vân Long, hay quần thể vooc cát bà, được quy hoạch thành khu bảo tồn và ít chịu tác động của con người, thì ở đây điều kiện sống của loài linh trưởng này đang bị tác động nặng nề

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam, giáp ranh khu quy hoạch bảo tồn hiện có 24 công ty khai thác đá tập trung ở hai xã Liên Sơn và Thanh Sơn. Trong đó 20 đơn vị đang hoạt động khai thác, xay nghiền đá tại chỗ; 4 công ty đang xây dựng, thăm dò khai thác, với tổng diện tích hàng trăm ha. Một số vị trí đang thăm dò khai thác được các thành viên trong tổ bảo vệ rừng ghi nhận có sự xuất hiện của voọc mông trắng.

Môi trường sống bị thu hẹp, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, nguồn thức ăn khan hiếm đang là những nguy cơ chính tác động đến sự tồn tại của đàn voọc quý hiếm này. Theo đánh giá của Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế FFI, có khoảng 4 đàn voọc tại Kim Bảng đang bị ảnh hưởng và có nguy cơ biến mất do hoạt động khai thác đá làm vật liệu xây dựng.

"Việc bị mất sinh cảnh khiến voọc có xu hướng di chuyển sang những địa điểm còn rừng khác, từ đó dẫn đến cạnh tranh về nơi ở, kiếm thức ăn, tranh giành đực cái, và chúng có thể cắn nhau đến chết" - anh Lê Đắc Phúc - cán bộ dự án bảo tồn voọc Kim Bảng - FFI nói.

Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ NNPTNT đều đã có văn bản gửi tỉnh Hà Nam đề nghị các thực hiện ngay các biện pháp cấp bách để bảo tồn voọc mông trắng. Thế nhưng không hiểu lý do vì sao, đề án thành lập khu bảo tồn voọc mông trắng tại Kim Bảng đã được UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt từ 5 năm trước, đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Trong khi đó, con người vẫn đang ngày ngày lấy nhà của động vật hoang dã để làm nhà cho mình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước