Theo lời Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, trong số 42 lao động trốn chạy về Việt Nam vào ngày 18/8, chỉ có 3 người quê An Giang, đa phần còn lại ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Do đó, nhiều khả năng có đường dây tổ chức đưa lao động trái phép qua biên giới.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình còn chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng ngoài việc duy trì 21 chốt trực dọc tuyến biên giới An Giang - Campuchia, phải tăng cường tuần tra, kiểm tra, vừa ngăn chặn dịch bệnh, người dân hai nước qua lại trái phép.
Hiện sức khỏe và tinh thần các lao động đã ổn định sau cuộc đào thoát cận kề cái chết. Ảnh: Dân trí.
Liên quan đến sức khỏe các lao động "vượt rào" bảo vệ casino ở Campuchia chạy thoát "địa ngục trần gian", bơi qua sông Bình Di (ranh giới tự nhiên giữa Việt Nam và Campuchia) về Việt Nam, lãnh đạo An Giang cho biết, sau khi test COVID-19, ma túy, các lao động được ngành chức năng bố trí ăn ở tại Trung tâm văn hóa cộng đồng xã Đa Phước, huyện An Phú.
Hiện, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang và Công an tỉnh này đang phối hợp với ngành chức năng Campuchia để tìm kiếm lao động mất tích và những việc liên quan khác.
Như đã đưa tin, vào khoảng 9h45 ngày 18/8, chốt quản lý bảo vệ biên giới và phòng chống dịch COVID-19 số 21 (khóm Tân Khánh, thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang) phát hiện, bắt giữ 40 người (35 nam, 5 nữ) từ Casino Rich World (trước đây tên Casino Kinh Sa, thuộc ấp Chrey Thum, xã Sampeou Poun, huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal) đối diện chốt 21 bơi sông Bình Di nhập cảnh trái phép về Việt Nam.
Theo kết quả xác minh ban đầu, có đến 42 người nhập cảnh về Việt Nam, trong đó chốt số 21 bắt giữ 40 người. Một người bơi qua sông mất tích, một bị bảo vệ casino bắt lại.
Các lao động cho hay họ liều chết để thực hiện cuộc đào thoát về Việt Nam vì bị quản lý casino bắt làm việc quá sức, quá giờ, bị đánh đập tra tấn khi làm không đủ chỉ tiêu... Vì thế, hàng chục lao động đã lên kế hoạch đào tẩu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!