Hiện còn hai nạn nhân đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum. Ảnh: PLO
Đây là trường hợp tử vong thứ 3 của vụ nổ đầu đạn tại xã Đăk Long (huyện Đăk Hà).
Các y bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum đã tích cực điều trị để cứu sống nạn nhân. Tuy nhiên, do vết thương ở não quá nặng, em em A.K đã tử vong vào lúc 7h cùng ngày. Hiện, đơn vị đã bàn giao thi thể em A.K về để gia đình lo hậu sự.
Trong hai nạn nhân còn lại của vụ nổ đầu đạn, chị Y Khung (22 tuổi) đã dần bình phục. Em A.T (11 tuổi) bị đa vết thương và đã được mổ vết thương thủng ruột, sức khỏe đã tạm ổn.
Trước đó, ngày 27/3, huyện Đăk Hà đã tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân trong vụ nổ đầu đạn tại xã Đăk Long. Lãnh đạo huyện trao hỗ trợ gia đình mỗi có nạn nhân tử vong 6 triệu đồng, bị thương 3 triệu đồng. Huyện yêu cầu chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể tại cơ sở chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh; vận động người dân tích cực giao nộp vũ khí tự chế, vật liệu nổ. Khi phát hiện các vật thể nghi là vũ khí, vật liệu nổ, người dân không được tự ý tiếp cận, di dời, tác động vào vật thể mà phải báo cho cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để xử lý bằng các biện pháp nghiệp vụ, hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản.
Trước đó, vào khoảng 16h ngày 25/3, anh A Nhi (24 tuổi, trú tại làng Kon Đao Yốp, xã Đăk Long) chở theo một đầu đạn từ rẫy mì về nhà bố vợ là ông A Tu ở cùng làng. Sau đó, anh A Nhi dùng rựa tác động mạnh vào đầu đạn khiến đầu đạn phát nổ.
Vụ nổ đã khiến anh A Nhi tử vong tại chỗ. Bốn người khác là chị Y Khung (22 tuổi, vợ A Nhi), con trai A.P (4 tuổi); em A. K (11 tuổi, em ruột chị Y Khung) và A.T. (cháu ông A Tu) bị thương nặng được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà. Đến 19h ngày 25/3, vì vết thương quá nặng nên em A.P đã tử vong.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!