Một gốc cây gỗ rừng lớn bị lâm tặc chặt hạ tại hiện trường vụ phá rừng ở thôn Tà Lêng, xã Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: TTXVN)
Liên quan đến vụ đốn hạ nhiều cây rừng tự nhiên ở Tiểu khu 687 thuộc xã Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, ngày 26/8 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị ra văn bản yêu cầu lực lượng chức năng và chính quyền địa phương xử lý vụ việc.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông Lê Đại Lợi cũng đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục phối hợp mở rộng kiểm tra diện tích rừng xung quanh khu vực rừng bị phá; đồng thời khẩn trương xác minh đối tượng phá rừng trái pháp luật để xử lý.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị yêu cầu Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông (đơn vị quản lý rừng), phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng huyện Đakrông điều tra, xác minh đối tượng vi phạm. Đồng thời củng cố hồ sơ vi phạm pháp luật lâm nghiệp chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm hành vi khai thác gỗ và vận chuyển gỗ trái pháp luật tại Tiểu khu 687, xã Đakrông; làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan trong việc để rừng bị khai thác trái pháp luật mà chưa phát hiện và có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh, chỉ đạo các phòng chức năng, Hạt kiểm lâm Đakrông phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông điều tra, xác minh đối tượng vi phạm. Chi cục hướng dẫn Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông củng cố hồ sơ vi phạm, chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đề nghị UBND huyện Đakrông, chỉ đạo các phòng, ban chức năng, địa phương tăng cường quản lý bảo vệ rừng; chỉ đạo Công an huyện, Công an xã, Hạt Kiểm lâm, UBND xã Đakrông phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông khẩn trương điều tra, xác minh các đối tượng vi phạm.
Trước đó, những ngày qua, một số đối tượng đã mở đường vào khu rừng tự nhiên có chức năng phòng hộ ở đầu nguồn, nằm trên một ngọn núi cao thuộc thôn Tà Lêng, xã Đakrông để chặt hạ nhiều cây gỗ rừng. Tại hiện trường, nhiều cây bị đốn hạ còn trơ lại gốc, thân cây nằm ngổn ngang. Loại gốc cây rừng to bị chặt hạ trái phép có đường kính từ 30 – 40cm, nhỏ từ 20 – 30cm. Dấu vết trên những gốc cây đã bị chặt hạ cho thấy, có một số cây mới bị chặt hạ do vết cưa ở gốc còn mới. Một số cây bị chặt hạ nhiều ngày do vết cưa đã cũ và phần còn lại của gốc cây mọc chồi non. Ở khu vực này, nhiều cây rừng tự nhiên loại lớn bị chặt hạ còn nằm ngổn ngang do "lâm tặc" chưa thể vận chuyển ra khỏi rừng. Nhiều tấm gỗ được bóc tách từ cây gỗ bị chặt hạ trái phép vẫn còn nằm tại hiện trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!