Sống cạnh con đê gần 60 năm qua, chưa bao giờ ông Nguyễn Quốc Bình thấy bức xúc như hiện nay. Có đường nhưng không dám đi, những người già như ông chỉ dám đi đường dưới đê vì ô tô đi qua những đoạn đường này còn khó chưa nói đến di chuyển bằng xe máy hay xe đạp.
Được nghiệm thu cách đây 3 tháng nhưng hiện nay mặt đê dọc tuyến nhiều nơi đã bong tróc, hư hỏng, thậm chí biến dạng. Nhiều người dân cho rằng tuyến đê thi công không đảm bảo chất lượng nên mới nhanh xuống cấp đến vậy. Đồng thời, một nguyên nhân khác là có hàng trăm lượt xe tải hạng nặng ra vào các mỏ cát trên địa bàn 2 huyện này chở vượt tải trọng cho phép.
Tuyến đê xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng (Ảnh: Báo NLĐ)
Bất chấp những chiếc biển cấm, ban ngày là những chiếc xe tải trọng 20-30 tấn, còn ban đêm là những chiếc xe có tải 50 tấn. Chưa nói đến chất lượng thi công của nhà thầu đến đâu, nhưng lưu lượng xe quá tải di chuyển nhiều như hiện nay thì không có tuyến đê nào chịu được.
Được biết, tuyến đê sông Chu thuộc địa bàn huyện Thọ Xuân có một số đoạn tuyến bị hư hỏng nặng nề do đợt bão lũ năm 2017. Cuối năm 2019, tỉnh Thanh Hóa đã chi 150 tỷ đồng để xử lý cấp bách một số đoạn tuyến trên. Thế nhưng, dù bỏ ra số tiền lớn tu sửa nhưng đến nay tình trạng hư hỏng không khác mấy thời điểm trước đó.
Đi lại khó khăn, tai nạn giao thông có thể xẩy ra là điều đã nhìn thấy. Nhưng vấn đề khiến người dân lo lắng hơn cả là khi bước vào mùa mưa, liệu tuyến đê này có còn vững chắc để che trở cho cả trăm nghìn dân của 6 huyện hạ du tỉnh Thanh Hóa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!