Vui, buồn lễ hội đầu năm

VTV Digital-Thứ hai, ngày 19/02/2024 15:24 GMT+7

VTV.vn - Đã từ lâu, thói quen du xuân vãn cảnh, làm lễ tại đền chùa đã trở thành nét đẹp truyền thống trong văn hóa người Việt.

Không chỉ góp phần gìn giữ nét văn hóa ấy, đây còn là dịp để tâm thức mỗi người hướng tới cái thiện và những giá trị tốt đẹp trong năm mới.

Năm nay, thời tiết "mưa thuận gió hòa" như càng khiến bước chân du xuân của du khách thêm thuận lợi, các địa điểm du lịch tâm linh đã đông đúc và nhộn nhịp ngay từ những ngày trong Tết.

Không khí lễ hội đầu năm

Có người đợi cả tiếng vẫn chưa mua được vé vì lượng khách đổ về khu du lịch Tràng An những ngày đầu năm tăng vọt. Ước tính dịp Tết này, nơi đây đón hơn 1 triệu lượt khách.

Thay đổi để đáp ứng nhu cầu du khách, các địa điểm du lịch mới bởi thế cũng được ra đời. Ngay trong trong dịp Tết Nguyên đán, khu du lịch Khê Cốc được đưa vào sử dụng, thu hút hàng nghìn lượt khách tới tham quan, trải nghiệm không gian văn hóa.

Còn tại chùa Tam Chúc, trung bình mỗi ngày đầu năm, đón hơn 1 nghìn du khách thập phương về chiêm bái. Tranh thủ khoảng thời gian được nghỉ ít ỏi, chị Nguyễn Thị Nhiên ở Thành phố Hồ Chí Minh đã vượt hàng ngàn cây số cùng với gia đình để du xuân, lễ phật.

Theo dự kiến, lượng người đổ về hành hương sẽ gia tăng nên năm nay, bắt đầu ngay từ thời điểm trong Tết - ban quản lý chùa đã lên phương án phân làn điều tiết các phương tiện cũng như dòng người từ xa.

Cách chùa Tam Chúc hơn 100 cây số, khu danh thắng Tây Thiên cũng nhộn nhịp du khách ngay từ mồng một. Dịch vụ xe điện kết hợp với hệ thống cáp treo lên tận đền Thượng khiến chặng đường hành hương về lễ mẫu của người dân cũng có thêm nhiều trải nghiệm hơn.

Để đảm bảo an toàn, ngay từ đầu tháng 2 vừa qua, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có văn bản đề nghị một số địa phương như: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Nam Định, thành phố Hải Phòng, thành phố Hà Nội… cần giám sát chặt chẽ đối với các lễ hội lớn, tập trung đông người.

Ngoài việc loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp; các địa phương cần tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội, các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc; kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép. Yêu cầu này nhằm tiếp tục tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại các địa phương, bảo đảm công tác tổ chức và quản lý lễ hội năm 2024 diễn ra an toàn, tiết kiệm theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Thực tế ghi nhận trong những ngày qua cho thấy, công tác đảm bảo an ninh trật tự, tổ chức quản lý hoạt động tại một số điểm đến tâm linh đã được phía địa phương quan tâm, giám sát chặt chẽ, tạo ra những chuyển biến tích cực so với những năm trước.

Chuyển biến tích cực lễ hội đầu năm

Không còn lộn xộn cò đò chào mời khách mà giờ đây người lái đò sẽ theo sự phân công của hợp tác xã, di chuyển theo số thứ tự.

70% giá trị vé đò được trả cho người lao động, 30% đóng thuế và phí quản lý. Đò được đánh số, lắp ghế đồng bộ. Nếu lái đò không tham gia vào HTX thì sẽ không được chở khách. Việc thay đổi mô hình mới tạo sự hài lòng cho du khách.

Ngoài đổi mới về hoạt động chở khách trên suối Yến, năm nay ban tổ chức lễ hội chùa Hương tiếp tục triển khai bán vé điện tử giúp công tác mua vé, soát vé được nhanh gọn, thuận tiện và tránh được vé giả.

Lượng người tăng đột biến trong ngày cũng khiến gia tăng áp lực đối với công tác đảm bảo vệ sinh môi trường. Như tại khu danh thắng Tây thiên, dù đã tăng cường gấp đôi nhân công - thực hiện chia tổ thu gom rác phụ trách tại nhiều khu vực nhưng với địa hình trải dài gần 5 cây số trong vườn quốc gia Tam Đảo, để quét dọn sạch sẽ cũng không phải là công việc dễ dàng… Ngoài khu vực quảng trường trung tâm, lối đi bộ lên đền, thì việc thu gom vận chuyển rác từ đền Thượng xuống núi vất vả và mất nhiều công đoạn hơn.

Đã 9 năm nay - công việc hàng ngày của chị Mai Thị Huệ ở đền Thượng luôn bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng nhưng đến tận đêm muộn. Bởi chặng đường thu gom vận chuyển rác rất gập ghềnh.

Trung bình một thùng rác đầy sẽ nặng khoảng 40 kg. Công việc vốn chẳng nhẹ nhàng vì chặng đường gánh rác của những người phụ nữ sẽ phải chuyển qua ít nhất 3 chặng khác nhau. Nhưng vì đã quá quen với công việc này - gánh rác trên vai cũng bớt nặng hơn. Niềm vui đơn giản với họ chỉ là thấy khu danh thắng xanh sạch đẹp cho người dân về lễ mẫu mỗi ngày. Công việc thầm lặng nhưng góp phần quan trọng trong việc gìn giữ cảnh quan cho ngôi đền ngự trên đỉnh non thiêng này.

Với nhiều người, đi lễ đền chùa đầu năm có khi đơn giản chỉ là những giây phút tìm đến sự bình an, thanh tịnh, để khởi đầu cho một năm mới với nhiều năng lượng tích cực, nhưng cũng có người coi đây là dịp để kêu cầu: mạnh khỏe, bình an, công danh, tài lộc. Và dù là mong muốn gì thì vẫn luôn có những dịch vụ phù hợp.

Dọc con đường dẫn vào cửa đền Bảo Lộc, Nam Định là hàng chục hàng quán viết sớ, bán ấn trạch, bùa hộ mệnh... Kể cả khi chưa đến ngày khai ấn đền Trần, khách hành hương được mời chào quảng cáo đủ các loại ấn đã được đóng dấu sẵn với nhiều mức giá khác nhau. Nếu du khách muốn được tự tay đóng ấn thì sẽ tiến vào "cung cấm". Tuy nhiên, thay vì để khách phát tâm, tự nguyện đóng góp, một bộ ấn và bùa hộ mệnh ở đây được phát giá công khai lên tới hàng trăm nghìn đồng.

Chẳng biết sẽ linh nghiệm đến đâu nhưng với tình trạng "bán ấn" vẫn tiếp diễn công khai như vậy, nó đã mang lại số tiền không nhỏ cho Ban quản lý ngôi đền này. Nói rộng ra, dù công tác quản lý lễ hội năm nay đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng ở đâu đó vẫn còn có những hình ảnh chưa đẹp để lại trong lòng du khách.

Lễ hội đầu năm - chuyện buồn tái diễn

Lãi suất lên đến 25% cho mỗi lượt đổi tiền lẻ, mệnh giá nào cũng có, thậm chí đặt nguyên cả tủ tiền và ngang nhiên giao dịch ngay trước cổng đền Bảo Lộc, Nam Định.

Nếu việc đổi tiền lẻ khiến bạn cảm thấy chưa hoan hỉ thì dịch vụ khấn thuê tại Đền Bà Chúa Kho sẽ có ưu đãi "dễ chịu" hơn.

Khi lấy được niềm tin của khách hàng thì cũng là lúc các cò khấn thuê bắt đầu hành nghề.

Dù ngay trước cửa đền đã treo tấm biển "không nhờ khấn thuê, lễ mướn" nhưng các cò chẳng bận tâm. Đặc điểm nhận diện là những người này thường cầm chiếc đĩa con và 2 đồng tiền cổ chào mời khách.

Còn tại Khu danh thắng Tây Thiên, tấm biển được ban quản lý đặt ở đây để cảnh báo, nhắc nhở du khách: Không mua bán dược liệu, hàng hóa không rõ nguồn gốc.

Dĩ nhiên không thừa vì cạnh đó, bạt ngàn dược liệu được bày bán công khai. Chẳng những là hàng trôi nổi mà còn được dán nhãn thổi phồng công dụng giống như thần dược để dụ dỗ người mua…

Đi lễ đầu năm để cầu sức khỏe may mắn và bình an nhưng bỏ tiền mua những loại thảo dược trôi nổi được gắn mác là thuốc chữa bệnh bán ngay trước cổng đền - nếu không may, rủi ro sẽ đến sớm vì có khi rước thêm bệnh vào người. Khi dược liệu loại thì bám đầy bụi đất, loại thì đã mốc xanh…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước