"Định hướng của TP Vũng Tàu trong năm 2022 và các năm tiếp theo là phát triển du lịch sự kiện đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, thu hút du khách. Thành phố sẽ công bố trước chuỗi sự kiện theo năm để doanh nghiệp bám theo cùng thiết kế chương trình đồng hành, xây dựng gói sản phẩm, quảng bá phù hợp… nhằm mục tiêu cuối cùng là nâng doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp".
Đây là chia sẻ của ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu tại hội nghị thông tin về tình hình du lịch năm 2021 và một số nhiệm vụ, giải pháp trong trạng thái bình thường mới vừa diễn ra ngày 12/12. Hội nghị có đại diện Sở Du lịch và nhiều doanh nghiệp du lịch, dịch vụ trên địa bàn tham dự.
Ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu đang phát biểu tại Hội nghị
95% DN du lịch phải đóng cửa
Theo ông Trần Bá Việt, Trưởng phòng Văn hóa -Thông tin thành phố Vũng Tàu kể từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát vào tháng 5/2021 đến nay đã làm ảnh hưởng đến tất các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó, ngành du lịch chịu thiệt hại nặng nề nhất. 95% doanh nghiệp lưu trú, dịch vụ phải đóng cửa hoàn toàn làm cho trên 5.000 lao động ngành du lịch và gần 12.000 lao động của các ngành nghề khác liên quan thất nghiệp. Ảnh hưởng của dịch cũng làm 4 chỉ tiêu kinh tế của thành phố Vũng Tàu năm 2021 không đạt được mục tiêu như kế hoạch đề ra.
Trong đó, doanh thu dịch vụ, du lịch, ăn uống ước đạt 87, 84% kế hoạch; tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 98,81% so với cùng kỳ; dịch vụ vận tải kho bãi ước đạt 81,29% kế hoạch; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 95,78%.
Hiện nay, các cơ sở du lịch gần như đã kiệt quệ, sức chống chọi để vực dậy là rất yếu. Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp du lịch đã "thắt lưng buộc bụng" chăm lo cho đời sống người lao động, giúp người lao động vượt qua những khó khăn trước mắt.
Bên cạnh đó, khối doanh nghiệp du lịch cũng chấp hành tốt các quy định về phòng, chống dịch và chung tay chia sẻ trách nhiệm với nhà nước trong việc cung cấp phòng cách ly giảm áp lực cho các khu cách ly tập trung; cung cấp dịch vụ an toàn để đón công nhân "một cung đường hai điểm đến" trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, giúp các ngành nghề sản xuất không bị đứt gãy hoạt động.
Nhằm chuẩn bị cho việc mở cửa các hoạt động du lịch, chính quyền thành phố đã tích cực nhiều giải pháp, trong đó đẩy nhanh độ phủ vắc xin cho toàn dân. Đến nay, hơn 98% dân số từ 15 tuổi đã được tiêm vắc xin, trong đó tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho người lao động ngành du lịch đạt 98,8%. Thành phố cũng hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ xây dựng phương án phòng chống dịch an toàn để đón du khách trở lại theo chủ trương "thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".
Người dân TP.Vũng Tàu và du khách vui mừng được tắm biển sau khi nời lỏng giãn cách xã hội sau thời gian bãi biển tạm ngưng tắm biển
Mong doanh nghiệp đồng lòng cùng thành phố chống dịch và mở cửa an toàn
Nhận định về khả năng phục hồi du lịch, đề xuất tháo gỡ khó khăn nhằm tăng sức cạnh tranh, thu hút du khách, ông Hoàng Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch cho biết, năm 2020 ngành du lịch cũng trải qua 3 lần dịch bệnh bùng phát, song mỗi lần dịch tạm lắng, Bà Rịa - Vũng Tàu luôn thắng lớn nhờ hiệu ứng "bật lò xo" của du khách sau một thời gian du lịch gián đoạn.
Năm 2021, du lịch đứt gãy hoàn toàn 7 tháng, nhưng không thể kỳ vọng sức "bật lo xo" như năm 2020 vì dịch bệnh tác động quá lớn đến nền kinh tế, thu nhập của nhóm người thu nhập trung bình - phân khúc khách chính của Bà Rịa - Vũng Tàu. Do vậy, cần phải có giải pháp mang tính tiên phong. Ông Linh đề xuất cần truyền thông mạnh mẽ hơn về biện pháp đón khách an toàn và thái độ bình tĩnh, thích ứng chứ không quá lo lắng trong bối cảnh phải sống chung với dịch. "Doanh nghiệp sẽ chăm chút, làm mới sản phẩm dịch vụ, nhưng chính quyền phải hỗ trợ đảm bảo môi trường an toàn, làm thêm nhiều điểm check in đẹp và tổ chức sự kiện phù hợp kích thích cảm xúc, trải nghiệm của khách đến", ông Linh nói.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Chủ nhiệm CLB nữ doanh nhân TP Vũng Tàu nêu, theo hướng dẫn tại kế hoạch 202/KH-UBND, khách sạn, nhà nghỉ, hoạt động tham quan, du lịch ở vùng cấp độ dịch 1, 2 được hoạt động bình thường; cấp độ 3 sẽ hoạt động hạn chế theo văn bản của địa phương và cấp 4 ngừng hoạt động.
Bà Ngọc Lan cho rằng, việc quy định cấp độ dịch áp dụng vào kinh doanh du lịch không hợp lý, vì hiện nay cấp độ dịch chuyển rất nhanh, doanh nghiệp nếu không cập nhật kịp sẽ dẫn đến vi phạm. Thay vào đó nâng các yêu cầu kiểm soát chặt nguồn khách và phòng dịch lên gắn trách nhiệm cho từng doanh nghiệp, chủ cơ sở.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng bày tỏ sự cộng đồng trách nhiệm với chính quyền thành phố để kiểm soát tốt dịch bệnh. Bà Trương Thị Liên Chi, đại diện nhà hàng Gành Hào nói: Dịch bệnh xảy ra tổn thất kinh tế là rõ rồi. Xác định vừa phải kinh doanh, vừa phải chống dịch tốt, doanh nghiệp đã xây dựng phương án, tập huấn thực hiện 5k, bố trí bàn ăn giãn cách, quy trình khử khuẩn… cho người lao động nhằm góp phần tạo "vùng xanh" cho khách yên tâm khi đến TP Vũng Tàu.
Lắng nghe, ghi nhận kiến nghị của đại diện Hiệp hội và doanh nghiệp du lịch, ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu khẳng định sẽ đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua những thách thức, khó khăn. Trong thời gian tới, ngoài công tác phòng chống dịch chính quyền thành phố sẽ cố gắng đảm bảo an toàn cho khách tắm biển, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, an ninh trật tự và tăng cường kiểm tra và kiểm soát giá cả kinh doanh.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ lên kế hoạch phối hợp tổ chức các sự kiện văn hóa - thể thao như: Cuộc thi Miss World Việt Nam dự kiến diễn ra vào tháng 3 và 4/2022, các hoạt động biểu diễn nhạc đường phố, biểu diễn thể thao vào cuối tuần, đầu tư một số địa điểm check in trên khu vực Đồi con Heo, Núi Lớn, Núi Nhỏ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!