40 năm nay, anh Hoàng Công Giang (Phường Lam Sơn, Thành phố Bắc Ninh) vẫn thờ cúng chú ruột là liệt sỹ Hoàng Công Đệ với ngôi mồ không cốt, chỉ có nấm. Cứ 3 năm một lần, anh cùng gia đình vào nơi liệt sỹ hy sinh. Đến bây giờ, vẫn chưa tìm được hài cốt, nguyện vọng của gia đình là đưa được liệt sỹ về với quê cha đất tổ.
Gia đình liệt sỹ Bùi Văn Khiêm cũng năm lần bảy lượt đi tìm người thân hy sinh khi bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị. Khi tra bia mộ tại Nghĩa trang Hương Thủy, cách Quảng Trị hàng trăm cây số, thấy có người trùng tên, trùng tỉnh nhưng lại không ghi huyện xã và khác ngày mất. Gia đình đã đề nghị nhà nước cho khai quật mộ để lấy gen giám định với hy vọng tìm được người thân.
"Gia đình hy vọng lần này là đúng, chúng tôi đã đi nhiều nơi nhưng không thấy, tôi hy vọng lần này sẽ tìm ra danh tính của anh tôi" - ông Bùi Đại Tử (em trai liệt sỹ Bùi Văn Khiêm, Thanh Hóa) nói.
Có rất nhiều trường hợp gia đình được thông báo hy sinh ở một nơi nhưng mộ lại được tìm thấy ở nơi khác. Thông tin trong những năm chiến tranh đôi khi không chính xác, lại trải qua thời gian dài nên cũng phai mờ dần. Đây là khó khăn lớn nhất cho công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ hiện nay. Còn thân nhân của các liệt sỹ vẫn cứ đau đáu vì chưa đưa được người thân về với quê nhà.
Chạy đua với thời gian để giám định gen
Với mong mỏi sớm tìm được hài cốt người thân đưa về an táng tại quê nhà, gia đình các liệt sỹ đã đi tìm bằng nhiều cách như thông qua các đồng đội còn sống, tra bia mộ ở các nghĩa trang, thậm chí nhờ đến các nhà ngoại cảm nhưng để chính xác nhất thì chỉ có phương pháp giám định gen.
Tuy nhiên, đến ngay cả phương pháp này cũng gặp nhiều khó khăn, cản trở. Những thông tin tìm được quá ít ỏi. Nhiều đồ vật, mẫu vật để có thể giám định đã bị mục nát sau thời gian dài nằm dưới lòng đất. Việc giám định gen cũng đã mang lại niềm vui cho một số gia đình liệt sỹ nhưng không nhiều.
Hơn một tháng nay, gia đình liệt sỹ Xuân Hào vui mừng vì đã tìm thấy hài cốt người thân sau khi được giám định ADN. Kết quả giám định cho thấy phần mộ mà gia đình tìm thấy chính là của liệt sỹ Hào.
"Chúng tôi tìn nhiều nơi và tìm trên nhiều phương tiện nhưng qua Facebook chúng tôi thấy phần mộ ở Bến Cát Bình Dương trùng với tên anh tôi, chúng tôi đề nghị xét nghiệm thì đúng, gia đình rất mừng năm nay chúng tôi xin chính quyền mang anh tôi về" - ông Nguyễn Xuân Bính (em trai liệt sỹ Nguyễn Xuân Hào, Thanh Hóa) nói.
Nhưng những gia đình xác định được hài cốt của người thân như trên không có nhiều. Tại phòng thí nghiệm này, chuyện không xác định được danh tính liệt sỹ, mối quan hệ với thân nhân còn sống là thường xuyên. Bởi các mẫu vật đã nằm trong lòng đất quá lâu và bị phân hủy gần hết. Các mẫu vật như răng và xương thậm chí đã mủn hết. Vì vậy, việc phân tách rất khó khăn.
Hiện nay, máy móc, trang thiết bị để phục vụ công tác giám định cũng không có nhiều. Các phòng giám định còn làm nhiều nhiệm vụ khác chứ không chỉ giám định gen liệt sỹ. Mỗi lần đi lấy mẫu cũng mất từ một đến vài tháng. Thậm chí nhiều mẫu bị lẫn vào đất đá không làm sạch được nên độ chính xác thấp.
Ông Hoàng Hải - Trung tâm Giám định gen, Viện công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên Quốc gia - cho biết: "Cái khó là mẫu lấy về không nhiều và năng lực cũng có hạn, đẩy nhanh thì cần cả con người lẫn đầu tư thêm máy móc".
Thực tế, các cuộc khai quật cũng không tìm được nhiều mẫu vật như mong đợi. Nhiều gia đình liệt sỹ các thế hệ trực hệ với liệt sỹ không còn, chỉ có các cháu nên việc giám định khá khó khăn. Thêm vào đó là yếu tố tâm linh nên khi khai quật có gia đình liệt sỹ đồng ý, có người không.
Còn nhiều liệt sỹ chưa được giám định
Đến nay, vẫn còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sỹ chưa quy tập nằm rải rác ở các tỉnh phía Nam, nước bạn Lào và Campuchia. Ngoài ra còn trên 300.000 hài cốt liệt sỹ đã quy tập và an táng tại các nghĩa trang nhưng thiếu thông tin. Như vậy tổng số liệt sỹ chưa xác định thông tin là 500.000.
Với tốc độ giám định khoảng 10.000 mẫu/năm như hiện nay thì không biết đến khi nào mới hoàn thành và lúc đó liệu có còn mẫu vật để giám định nữa hay không.
Hiện nay, đã có trang thông tin điện tử chính thức về tìm mộ liệt sỹ và rất nhiều gia đình theo dõi để tìm kiếm thông tin của người thân. Những kênh thông tin mới này cũng mang đến hy vọng cho nhiều gia đình đang còn người thân nằm đâu đó trên chiến trường xưa.
Mong ước nhiều nhưng hy vọng ít
Huyện Bá Thước, Thanh Hóa có 30% gia đình liệt sỹ chưa biết được phần mộ của người thân. Mong mỏi tìm kiếm nhưng vì đường xá xa xôi, chi phí tốn kém và quan trọng nữa là thông tin không biết chính xác hay không. Vì vậy, nhiều gia đình cũng khá ngần ngại không muốn giám định gen vì sợ khai quật nhầm mộ người khác, sợ liên quan đến các yếu tố tâm linh.
Chiến tranh đã kết thúc gần 50 năm. Các liệt sỹ nằm xuống cũng không có điều kiện chôn cất cẩn thận nên thời gian phân hủy nhanh. Nếu không khẩn trương quy tập và xác định danh tính thì chỉ khoảng 10 năm nữa sẽ không còn gì để tìm kiếm.
Chi phí giám định cho 2 mẫu mỗi người, một mẫu của liệt sỹ và một mẫu của người thân vào khoảng 10 triệu đồng. Thêm vào đó là tiền đi lại, tìm kiếm trong thời gian dài, không phải gia đình nào cũng có. Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ các gia đình thân nhân liệt sỹ một phần kinh phí này.
Hơn 20 năm nay, ông Nguyễn Văn Ngân (Cẩm Bình, Cẩm Thủy Thanh Hoá) dành hết thời gian rảnh đi đến từng nhà đồng đội của anh trai mình để hỏi han tin tức. Hy vọng hết lần này đến lần khác vẫn chưa có kết quả gì. Ông cũng đã đề nghị nhà nước giám định gen nhiều lần.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!