Xâm nhập mặn bủa vây, Hậu Giang chủ động giải pháp ứng phó

Tiến Triển-Thứ năm, ngày 11/04/2024 10:10 GMT+7

VTV.vn - Trước diễn biến của xâm nhập mặn, ngành nông nghiệp nông thôn tỉnh Hậu Giang đã chủ động nhiều biện pháp ứng phó, bảo vệ sinh hoạt, sản xuất.

Mặn xâm nhập theo triều biển Tây trên sông Cái Lớn và kênh Chắc Băng tăng nhanh trở lại ở mức cao và đang xâm nhập sâu vào các sông, rạch tỉnh Hậu Giang. Có nơi nồng độ mặn đã tăng lên ở mức 9,5‰. Ngành nông nghiệp nông thôn địa phương đã chủ động nhiều biện pháp ứng phó, bảo vệ sinh hoạt, sản xuất.

Nắng nóng gay gắt. Cửa cống Kênh Lầu độ mặn đã tăng lên mức cao. Toàn khu vực xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh gần như bị mặn bao vây. Hàng trăm ha khóm và vườn cây ăn trái đang trước nguy cơ chịu tác động ảnh hưởng thiếu nước tưới. Cũng như nhiều bà con nông dân, chủ vườn đang chủ động giải pháp, bảo vệ an toàn 2,5 ha mít 10 tháng tuổi.

"Tiết kiệm nước. Ví dụ trước một ngày tôi tưới 3 tiếng mới đủ, nhưng giờ tưới 1 tiếng. Cây mít không chịu mặn và cũng không thể thiếu nước. Tưới cầm cự cho qua mùa mặn", ông Huỳnh Ngọc Vũ, xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh, Hậu Giang, chia sẻ.

Cùng với mặn xâm nhập sâu, nhiều khả năng lưu lượng dòng chảy từ sông Hậu vào tỉnh Hậu Giang trên sông, rạch không đủ cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang khuyến cáo người dân cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng, chống mặn xâm nhập.

Xâm nhập mặn bủa vây, Hậu Giang chủ động giải pháp ứng phó - Ảnh 1.

Kiểm tra độ mặn ở cống Hóc Pó, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ (Hậu Giang). (Ảnh: Nhân dân)

"Trước diễn biến hạn mặn, chúng tôi chỉ đạo ngành chuyên môn tăng cường theo dõi diễn biến, kịp thời thông tin cho người dân, mặn đến đâu, ứng phó đến đó", Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang Võ Xuân Tân, cho biết.

Theo dự báo, trong những ngày tới, mặn xâm nhập theo triều biển Đông trên sông Hậu sẽ ảnh hưởng nhẹ tới các khu vực thuộc huyện Châu Thành và thành phố Ngã Bảy với nồng độ dưới 0,8‰. Một số địa phương của các huyện Long Mỹ, Phụng Hiệp, Vị Thủy và thành phố Vị Thanh, nguy cơ thiếu nước tăng cao.

Chủ động tăng cường biện pháp tích trữ nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt ngay thời điểm này sẽ giúp Hậu Giang bảo vệ an toàn diện tích nông nghiệp, đặc biệt là hơn 45.000 ha vườn cây ăn trái.

Xâm nhập mặn tại ĐBSCL tiếp tục tăng cao 1 - 2 ngày tới

Đồng bằng sông Cửu Long đang trong giai đoạn nắng nóng cao điểm, lại đúng kỳ triều cường đầu tháng 3 âm lịch nên xâm nhập mặn diễn ra khá gay gắt trong 1 - 2 ngày tới.

Dự báo ranh mặn 4g/l có thể vào sâu 90 - 110 km trên hệ thống sông Vàm Cỏ. Còn các sông sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên, sông Hậu và sông Cái Lớn phạm vi xâm nhập mặn vào khoảng 40 - 60 km.

Cảnh báo mùa xâm nhập mặn năm nay có thể kéo dài đến giữa tháng 5, lâu hơn mọi năm do mùa mưa đến muộn. Trong đó sẽ còn 2 đợt xâm nhập mặn tăng cao theo kỳ triều cường từ 22-28/4 và từ 7 - 11/5.

Các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt khi triều thấp phục vụ nông nghiệp và dân sinh.

Nồng độ xâm nhập mặn ở Hậu Giang tăng lên mức 9,5‰ Nồng độ xâm nhập mặn ở Hậu Giang tăng lên mức 9,5‰

VTV.vn - ĐBSCL đang trong giai đoạn nắng nóng cao điểm, đúng kỳ triều cường đầu tháng 3 âm lịch nên xâm nhập mặn diễn ra gay gắt. Tại tỉnh Hậu Giang, nồng độ mặn tăng lên mức 9,5‰.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước