Hiện công tác xét tuyển đợt 1 của mùa tuyển sinh năm nay theo phương thức mới đã chính thức khép lại. Các Sở Giáo dục và Đào tạo đã gửi số liệu thống kê thay đổi nguyện vọng của thí sinh về cơ sở dữ liệu chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời gửi về các trường để cập nhật. Điểm chuẩn chính thức kèm theo danh sách thí sinh trúng tuyển sẽ được các trường công bố trong vài ngày tới. Tuy nhiên, nhìn lại 20 ngày nhận hồ sơ đăng ký vừa qua với những bất cập nảy sinh trong quá trình xét tuyển đã có thể thấy, kỳ vọng về một mùa tuyển sinh giảm bớt áp lực cho thí sinh và phụ huynh đã không đạt được.
Ưu điểm lớn nhất của phương thức xét tuyển mới là tạo ra nhiều cơ hội hơn để các thí sinh được đỗ vào Đại học. Trước đây, thí sinh chọn trường trước rồi mới đi thi. Sau khi có điểm, các em hoặc là trượt, hoặc là đỗ, hoặc là phải chờ đến các nguyện vọng bổ sung. Còn năm nay, thí sinh thi trước, biết điểm rồi mới đăng ký chọn ngành, chọn trường sau. Trong vòng 20 ngày xét tuyển của đợt 1, các em có quyền nộp và rút hồ sơ vào các trường bao nhiêu lần tùy ý.
Có thể thấy, mục tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo là tạo ra một phương thức tuyển sinh mà ở đó quyền lợi, tính chủ động và khả năng tự quyết định của thí sinh được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thí sinh tùy ý nộp và rút hồ sơ một mặt tạo cơ hội tối đa cho các em, mặt khác lại gây ra những lúng túng cho cả thí sinh và các trường, nhất là trong những ngày cuối của đợt xét tuyển
Vất vả nhất trong kỳ xét tuyển này là các thí sinh ở tỉnh xa. Mặc dù vào giữa kỳ xét tuyển, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cung cấp giải pháp để hạn chế việc thí sinh phải di chuyển xa, nhưng lượng thí sinh thay đổi nguyện vọng xét tuyển qua Sở Giáo dục và Đào tạo vẫn rất thấp.
Với cách thức xét tuyển ĐH, CĐ mới, vai trò của công nghệ thông tin là rất quan trọng. Tại trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, để giúp thí sinh đỡ phải đi lại vất vả, ngay từ khi bắt đầu thực hiện xét tuyển, trường đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, cấp cho mỗi thí sinh nộp hồ sơ 1 tài khoản và mã truy cập để các em có thể thay đổi nguyện vọng của mình thông qua trang web của nhà trường. Tuy nhiên, đại diện ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho biết, số lượng thí sinh sử dụng công nghệ thông tin để xét tuyển chưa nhiều. Điều này cho thấy các em cũng cần có thời gian để làm quen với cách xét tuyển qua mạng.
Một số chuyên gia về tuyển sinh Đại học cũng góp ý: Trong kỳ tuyển sinh năm sau, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên rút ngắn thời gian xét tuyển xuống còn khoảng 10 ngày; cho phép thí sinh chọn 1 ngành ở nhiều trường thay vì chọn nhiều ngành ở 1 trường như hiện nay. Điều này sẽ giúp các em có thể theo đuổi được ngành nghề mà mình phù hợp và yêu thích thay, vì chỉ biết chạy theo xếp hạng điểm số như năm nay. Sau khi kết thúc xét tuyển, hi vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với các trường sẽ sớm tổng kết và rút ra những kinh nghiệm cần thiết để kỳ tuyển sinh năm sau diễn ra thuận lợi hơn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.