Xóa nhà tạm, nhà dột nát - điều đổi thay không chỉ là diện mạo

Chuyển động 24h-Thứ hai, ngày 23/12/2024 15:19 GMT+7

VTV.vn - Xóa hết nhà tạm, nhà dột nát để không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là mục tiêu lớn của Đảng và Nhà nước.

"Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt" - Đây là tinh thần mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trong quá trình triển khai thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước.

Khẩn trương, linh hoạt, rõ kết quả, rõ sản phẩm - trong thời gian qua đã có rất nhiều những ngôi nhà ba cứng: nền, móng cứng; khung, tường cứng; mái cứng được trao đến tay người dân thụ hưởng. Và đáng nói, sự đổi thay diện mạo của những ngôi nhà không chỉ làm vơi đi nỗi lo về nguy hiểm nhà dột nát, tạm bợ mà còn san bớt gánh nặng trong cuộc sống của những mảnh đời yếu thế…

Xóa nhà tạm, nhà dột nát để vơi gánh lo toan

Ngoài gần 500 nghìn tiền ăn tính cả gạo trong một tháng cho hai mảnh đời, bà Lê Thị Mũn (xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) vun số tiền dư còn lại trong khoản trợ cấp của nhà nước để lo ốm, lo đau, nhất là cho người con trai mà nhận thức mãi dừng lại ở tuổi đếm chưa đầy một bàn tay…

Và cũng bởi trong cái đồng ra, đồng vào chẳng bao giờ dám tiêu hơn ấy không có phần cho tu sửa mái nhà nay trồi mai sụt, nên được một mái tôn mới - theo hỗ trợ của chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là bà Mủn vơi đi một nỗi lo.

Một mái nhà mới bớt lo toan cho người mẹ kiên cường…

Một mái nhà mới còn thêm động lực cho người vợ đã bước đến bên kia con dốc cuộc đời vững tâm khi là trụ cột gia đình…

Sắc đỏ tươi của mái ngói mới là niềm vui của bà Nguyễn Thị Lan (xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên), người phụ nữ ngoài 60 tuổi. Bởi từ nay, mỗi đêm mưa sẽ không còn cảnh xoay xở, che chỗ này, kéo chỗ kia để người chồng bị tai biến gần 10 năm nằm một chỗ không bị ướt…

Lưng còng mẹ gánh đời con… Vất vả vẫn sẽ đè lên tấm lưng gánh năm, gánh tháng của bà Mũn.

Thương chồng, tay nắm tay… Lo toan vẫn sẽ theo bà Lan trong mỗi việc nhà, việc đồng.

Nhưng, sắc xanh của mái tôn, sắc đỏ của mái ngói… cũng đã san sẻ phần nào nỗi buồn lo với những người mẹ, người vợ tảo tần…

Để nước mắt - không chỉ là nỗi buồn mà còn là niềm vui, là động lực để thêm vững trước giông bão cuộc đời…

Một mái nhà kín mưa, kín gió là mong mỏi của rất nhiều người, thậm chí có thể là mong mỏi của cả một đời người. Và chắc chắn đó sẽ là động lực không chỉ đối với bà Mũn, bà Lan mà còn nhiều số phận khác đang phải đối mặt với khó khăn, thách thức trong cuộc sống thêm mạnh mẽ bước tiếp. Bởi, phía sau của mỗi ngôi nhà kiên cố được hỗ trợ - không phải chỉ là kết quả của một chương trình, một chính sách. Đó còn là sự chung tay, đồng lòng của tình đồng chí, nghĩa đồng bào…

Xóa nhà tạm, nhà dột nát - tình đồng chí, nghĩa đồng bào

Hơn một tháng xây dựng, ngôi nhà mới của anh Diệp Thái Công (xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) đã dần thành hình. Nhưng điều đặc biệt, những người thợ đang cặm cụi với vôi vữa lại chẳng là thợ…

Ai biết gì làm nấy. Thợ không chuyên bởi đó là họ hàng, là hàng xóm láng giềng mỗi người một tay đến giúp.

Mỗi người hỗ trợ một chút bởi ngôi nhà ước tính hơn 100 triệu. Ngoài khoản kinh phí xây nhà mới được hỗ trợ theo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, để ngôi nhà mới thành hình, gia đình anh Công sẽ phải vay mượn thêm.

Của hay công lúc này đều là những hỗ trợ tận tâm, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều…

Đồng lòng, đồng sức trong tinh thần nghĩa đồng bào, rất nhiều những ngôi nhà mới được xây dựng có sự chung tay của những người dẫu chẳng là anh em, nhưng tình thắm như ruột thịt…

Những ngôi nhà kiên cố thành hình còn có sự chung tay của người lính - khi nhân dân cần là kịp thời có mặt… cho một quyết tâm, tết này, nhà mới đón xuân mới…

Trong cuốn sổ ghi chép chi phí xây dựng nhà của anh Công, từng khoản từ tiền chục đến tiền triệu đều được ghi lại - để tính toán trả vay.

Nhưng, có những khoản vay - lại chẳng thành hình, thành số… Người cho vay chẳng thiết tha đòi mà người mượn hẳn nhớ trọn đời…

Xóa hết nhà tạm, nhà dột nát để không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là mục tiêu lớn của Đảng và Nhà nước. Những nghĩa cử cao đẹp, sự chung tay đóng góp của đồng bào, đồng chí cả nước, các bộ, ngành, địa phương cho phong trào thi đua có ý nghĩa nhân văn sâu sắc này đã giúp thay mới diện mạo của hàng chục nghìn căn nhà và tiếp tục hướng tới những con số lớn hơn. Thế nhưng, trong sự đồng hành, quyết liệt ấy, sự tự chủ để vươn lên sau những hỗ trợ thay đổi diện mạo của ngôi nhà để giữ nhà kiên cố, không tái tạm bợ, dột nát còn cần được xuất phát từ chính mỗi gia đình.

Để giữ những ngôi nhà kiên cố

Một phòng khách, hai phòng ngủ cho hai bố con… Ngôi nhà mới được anh Lưu Văn Đức (xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) giới thiệu với niềm vui không giấu được qua những nụ cười.

Một tương lai mới - nhiều dự định cũng đã được anh ấp ủ…

Vun vén cho ngôi nhà mới, không chỉ kiên cố mà còn dần đủ đầy. Mong mỏi của anh Đức cũng là mong mỏi của người mẹ đã già nhưng chưa buông được nỗi lo con…

Nụ cười con có nhà mới bỗng hóa nước mắt khi nghĩ: con sẽ làm gì để vun nhà bởi bà hiểu, nhiều năm qua, sự quyết chí và vun vén của người con trai này chưa đủ lớn. Thêm gia đình ở cảnh vợ đã bỏ đi, bố gà trống nuôi con…

Ngoài ngôi nhà mới, gia đình anh Đức cũng đã được hỗ trợ một con bò trong một chương trình sinh kế khác dành cho hộ nghèo.

Nhà đã có, vốn cũng đã được trao tay. Thứ cần, ngoài những lời khuyên của mẹ, sự động viên của bà con lối xóm - cũng chính là những người chung tay góp tiền, góp gạo dựng nhà - hẳn phải là nỗ lực tự thân vượt khó, vượt nghèo…

Không thể nghèo mãi được, nhất là khi mình còn trẻ, còn sức lao động. Và cũng bởi, để giữ được những ngôi nhà "ba cứng" bền vững, không tái dột nát, tái tạm bợ, phải đặt tương lai vào bàn tay của chính mình.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước