Bắt đầu từ tháng 4 này, lực lượng CSGT trên toàn quốc đã mở đợt ra quân xử lý xe quá khổ quá tải và cơi nới thành thùng trên cả nước, siết chặt việc kiểm soát tải trọng của các phương tiện.
Xe tải chở hàng, chở vật liệu quá khổ, quá tải, chở hàng quá kích thước cho phép của thùng xe. Tình trạng này không chỉ tàn phá đường sá mà còn là nguy cơ dẫn tới tai nạn giao thông.
Tỉnh Thái Nguyên là địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu mỏ nên rất dễ xảy ra tình trạng xe chở vật liệu quá tải trọng cho phép.
Ảnh minh họa: Báo Giao thông
Theo chân một tổ tuần tra kiểm soát tải trọng trên QL3, chỉ một đoạn đường ngắn tổ công tác đã kiểm tra và phát hiện nhiều xe vi phạm chở quá mức tải trọng cho phép, trong đó có những xe từ Bắc Kạn đi qua.
Theo lực lượng chức năng, việc để xe quá tải, quá khổ tái diễn thì nguyên nhân chính vẫn là để lỏng công tác kiểm tra từ đầu nguồn. Bên cạnh đó, công tác xử phạt cũng đang vướng phải một số khó khăn. Do chưa có bãi hạ tải nên xe chở quá trọng tải khi bị xử phạt nhưng không thể hạ tải trọng.
Một nguyên nhân khác gây không ít khó khăn cho việc xử lý xe quá tải là một bộ phận không nhỏ chủ xe, lái xe thiếu ý thức chấp hành pháp luật, luôn tìm cách trốn tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Trong khi đó, không một địa phương nào đủ lực lượng để duy trì việc kiểm soát tại đầu nguồn 24/24h.
Cái khó nhất hiện nay là khi phát hiện xe chở quá tải sẽ xử lý như thế nào? Do không thể yêu cầu lái xe đổ bớt hàng xuống đường được nên chủ yếu chỉ xử phạt rồi xe quá tải vẫn chạy tiếp, đồng nghĩa vẫn gây hại tới cầu đường, nguy cơ tai nạn.
Chính vì vậy, muốn xử lý được triệt để được xe quá tải thì phải xử lý từ đầu nguồn, tức là ngay trên địa bàn, địa phương mà hàng được chất lên xe, trước khi đi sang địa bàn khác. Muốn thế, việc tăng cường xử lý xe quá tải phải được thực hiện cùng lúc ở tất cả các địa phương, tất cả các tỉnh thành.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!