Xuân về nơi từng trải qua trận lũ quét kinh hoàng

Đỗ Hòa-Thứ hai, ngày 15/01/2024 14:37 GMT+7

VTV.vn - Sau trận lũ quét trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, đến nay, an cư đã trở thành niềm hạnh phúc của các hộ dân trong không khí Tết đến, Xuân về.

392 tỷ đồng là con số thiệt hại ước tính sau trận lũ quét kinh hoàng trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái vào đêm ngày 5/8/2023. 3 người đã tử vong, hơn 700 ngôi nhà và các công trình công cộng đã bị hư hỏng.

Khi cơn lũ đi qua, một trong những việc cấp thiết đầu tiên chính quyền địa phương khẩn trương thực hiện là đảm bảo nơi ăn, chốn ở cho người dân bị ảnh hưởng bởi lũ. Đến nay, tại các khu tái định cư, an cư đã trở thành niềm hạnh phúc của các hộ dân trong không khí Tết đến, Xuân về.

An cư cho người dân sau cơn lũ dữ

4 tháng sau cơn lũ dữ, dấu tích cho 2 từ "hỏng hết" vẫn còn đây. Một vạt đồi đất sạt, dăm tấm lợp vỡ nát, gỗ vụn vương vãi… - những thứ đã phải rời bỏ, và cả những vật đã được mua mới.

80 chục bát mua mới vẫn còn phân nửa chưa dùng, trong căn nhà gỗ chưa vương màu khói bếp, anh Sinh (khu tái định cư, bản Hồng Nhì Pá, Xã Lao Chải, Huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) bảo, Tết này không lo gió, lo mưa, lại càng không sợ đói.

Chung một bản tái định cư Hồng Nhì Pá với nhà anh Sinh còn là 11 nếp nhà mới. Họ đều về đây sau cơn lũ dữ quét qua bản làng, từ nỗ lực an cư cho đồng bào của chính quyền địa phương.

"Hỗ trợ san lấp mặt bằng, nhà nước hỗ trợ 30 triệu đồng. Mình tự túc 20 triệu đồng. Lao động sản xuất, đảm bảo cuộc sống, vui hơn, phấn khởi hơn", anh Sùng A Súa, Khu tái định cư, bản Hồng Nhì Pá, Xã Lao Chải, Huyện Mù Cang Chải, Yên Bái, chia sẻ.

"Tỉnh và huyện cũng đầu tư máy móc, san nền nhà đảm bảo cho 12 hộ chuyển vào khu tái định cư ở đây", ông Giàng A Lử, Chủ tịch UBND xã Lao Chải, Mù Cang Chải, Yên Bái, cho biết.

Xuân về nơi từng trải qua trận lũ quét kinh hoàng - Ảnh 1.

Đến nay, tại các khu tái định cư, an cư đã trở thành niềm hạnh phúc của các hộ dân trong không khí Tết đến, Xuân về.

Cây quanh nhà chưa kịp trồng, bản mới vẫn vắng sắc xanh quanh những ngôi nhà trên đỉnh núi. Tuy nhiên trong tiếng lục lạc của đàn trâu khi chiều về, tiếng chiêm chiếp của đàn gà con vừa ấp nở là những tấm áo mới đang được may gọi Tết đến Xuân về.

Khắc phục khó khăn quỹ đất tái định cư

Xác định an cư mới lạc nghiệp nên việc bố trí tái định cư cho các hộ dân có nhà bị trôi sập hoàn toàn và nhà phải di dời khẩn cấp sau thiên tai tại huyện Mù Cang Chải là ưu tiên hàng đầu của tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, là huyện nghèo vùng cao, có địa hình đồi núi chia cắt, độ dốc lớn nên việc tìm quỹ đất để bố trí tái định cư cho một số lượng lớn hộ dân gặp không ít khó khăn, đòi hỏi sự linh hoạt trong cách thực hiện.

"Yên Bái cũng như Mù Cang Chải là địa bàn miền núi, chia cắt mạnh nên khi thiên tai xảy ra, chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc khôi phục hệ thống điện, hệ thống thông tin liên lạc để phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành. Đặc biệt là vấn đề tái định cư do quỹ đất an toàn cũng rất khó khăn. Chính vì vậy, chúng tôi đã vận dụng linh hoạt kết hợp giữa tái định cư xen ghép, người dân san sẻ đất cho người mất nhà mất cửa, kết hợp với việc xây dựng các khu tái định cư tập trung theo hướng vận dụng linh hoạt các chính sách đất đai, vừa làm vừa hoàn thiện thủ tục. Chính vì vậy, chúng tôi mới có thể giải quyết cho được trong vòng 2 tháng cho hơn 120 hộ tái định cư", ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, cho hay.

Nỗ lực khắc phục những khó khăn sau lũ dữ

Đến nay, hơn 100 dân có nhà bị sập, trôi hoàn toàn cũng như phải di dời khẩn cấp đã hoàn thành xong nhà mới. Huyện Mù Cang Chải cũng đang hoàn thiện hồ sơ để cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ có nhà bị trôi sập hoàn toàn tự bố trí được đất ở cũng như các hộ dân đang sống trong khu tái định cư. Cuộc sống đang dần ổn định, tuy nhiên vẫn còn đó những khó khăn trong cả điều kiện sống cũng như sản xuất khi các hộ gia đình bị thiệt hại do thiên tai đều là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có nhiều hộ nghèo, cận nghèo.

Mạ đã lên xanh, chỉ 10 ngày nữa là được cấy, nên những ngày này, anh Sùng (xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) tất bật tìm cách đưa nước về thửa ruộng bậc thang của nhà.

Xuân về nơi từng trải qua trận lũ quét kinh hoàng - Ảnh 2.

Khi cơn lũ đi qua, một trong những việc cấp thiết đầu tiên chính quyền địa phương khẩn trương thực hiện là đảm bảo nơi ăn, chốn ở cho người dân.

Đường ống được hỗ trợ, nhưng đường kéo xa nên chưa đủ. Con lợn, con gà sau lũ chưa được bán nên kinh tế để tái sản xuất còn gặp khó, dù cái ăn, cái mặc lúc này chưa phải lo.

"Tết này, xã đã lập danh sách các hộ bị thiệt hại nặng, bị trôi hoàn toàn. Xã đề nghị về huyện hỗ trợ gạo, đảm bảo cho Tết", ông Giàng A Sỉ, Phó chủ tịch UBND xã Hồ Bốn, Huyện Mù Cang Chải, Yên Bái, cho biết.

Không chỉ trong sản xuất, nước cũng đang là cái khó tại khu tái định cư tập trung, cùng với việc thiếu điện.

Theo chính quyền địa phương, các công trình giao thông, thủy lợi bị thiệt hại nặng nề sau lũ cần kinh phí rất lớn để tái thiết.

"Nuôi" con chữ nơi vùng lũ qua

Với sự đoàn kết, hy vọng và nỗ lực của con người, việc an cư lạc nghiệp cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi trận lũ kinh hoàng đang từng bước được triển khai. Xuân đang về với niềm tin một cuộc sống vững vàng hơn sau thiên tai và cả hy vọng về một vùng đất khó sẽ vươn lên với những lớp trẻ đang nỗ lực từng ngày cùng thầy cô bám trường, bám lớp nuôi con chữ.

Không còn bùn đất chất đống, ngổn ngang cây cối, sân Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Hồ Bốn chỉ có tiếng nói, tiếng cười rộn rã của những học trò nhỏ.

"Đến bây giờ, các điều kiện sinh hoạt, học tập cho học sinh bán trú đã cơ bản đầy đủ. Các thầy cô giáo, gia đình đã yên tâm khi học sinh được đến trường đến lớp đi học", ông Nguyễn Xuân Trường, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú TH và THCS xã Hồ Bốn, cho biết.

Hai phòng ở bán trú bị hỏng hoàn toàn nay đã khang trang, là mái ấm của hơn 120 học sinh trong những ngày ở lại trường để có em lặng lẽ học bài, hay nhóm nhỏ quây quần giã món nước chấm truyền thống, thêm vào trong bữa ăn ở trường.

Để các con chỉ cần học và an tâm học là những cố gắng thầm lặng sau giờ lên lớp của cô, của thầy.

Căn phòng nhỏ trong khu tập thể dành cho giáo viên ở xa, hơn 4 tháng kể từ ngày lũ qua, trở thành nhà của gia đình thầy Trinh.

"Do bị lũ nên nhà trường tạo điều kiện thu xếp, ghép các thầy cô ở trong một phòng, còn phòng này cho hai vợ chồng", thầy Giàng A Trinh, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Hồ Bốn, chia sẻ.

Những tấm bằng khen của người thầy ở trước vẫn treo gọn ghẽ trên tường. Số đồ đạc được ủng hộ sau khi ngôi nhà bị lũ cuốn trôi của gia đình thầy Trinh cũng xếp gọn trên giường tầng. Sẻ chia và được sẻ chia để ấm tình người sau lũ dữ và để vững vàng nuôi chữ cùng những em nhỏ vùng cao.

Một căn nhà mới sẽ là chuyện vui của sau cái Tết này. Còn hiện nay, niềm hạnh phúc của thầy Trinh là tiếng ồn ã chơi đùa của cả trăm học sinh sau giờ cơm tối vọng lại khoảng sân nhỏ khu nhà, là được đồng hành cùng ước mong của những cô cậu trò nhỏ.

Dựng nhà cho người dân vùng lũ Mù Cang Chải Dựng nhà cho người dân vùng lũ Mù Cang Chải

VTV.vn - Tiếp tục khẩn trương dựng lại nhà, đảm bảo ổn định cuộc sống cho bà con vùng lũ tại Mù Cang Chải, Yên Bái.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước