Gốc của thương hiệu là từ chất lượng và trách nhiệm

Theo Báo Công thương-Chủ nhật, ngày 13/10/2013 07:29 GMT+7

 Tạo dựng thương hiệu là câu chuyện nan giải với bất kỳ doanh nhân nào bắt đầu khởi nghiệp. Đã có rất nhiều doanh nhân tốn tiền tỷ để khuếch trương thương hiệu nhưng hiệu quả không như ý muốn. Trong khi đó, có những thương hiệu khá nổi tiếng lại chẳng mất tiền quảng cáo, người tiêu dùng biết đến nhờ “hữu xạ tự nhiên hương”.

Kinh doanh phải cốt thật thà

Mấy năm gần đây, người dân Hà Nội không còn lạ với cảnh hàng đoàn người xếp hàng dài, đợi chờ nhiều tiếng đồng hồ trên phố Thụy Khuê chật chội chỉ để mua vài ba hộp bánh Trung thu mang tên Bảo Phương. Nhiều người cho rằng sự hiếu kỳ là nguyên nhân khiến sản phẩm này trở nên “hot”.

Phóng viên Báo Công Thương đã đến tận nơi để tìm hiểu nguyên nhân. Ông Phạm Văn Định- chủ doanh nghiệp bánh Bảo Phương- thừa nhận, năm 2013 có sự cộng hưởng của truyền thông làm số lượng khách hàng tăng lên. Tuy nhiên, nếu nói rằng bánh Bảo Phương đắt khách là nhờ báo chí thì “oan” cho ông quá. Bởi lẽ, đã 10 năm nay, năm nào cửa hàng của ông cũng đông khách. Bí quyết làm bánh gia truyền từ xa xưa cộng với chất lượng sản phẩm đã tạo uy tín cho thương hiệu Bảo Phương.

Triết lý làm ăn của ông chủ Bảo Phương rất đơn giản, không tham làm giàu, chỉ làm vừa đủ theo đúng năng lực, đặc biệt chú trọng đến chất lượng sản phẩm, khuyến cáo rõ ràng và bán giá hợp lý, giữ giá. Vì thế, việc phải xếp hàng chờ dợi cộng với “tiêu chuẩn phân phối” mỗi người chỉ được mua 2 hộp bánh kèm theo yêu cầu phải xếp hàng trật tự đã tạo ra hiệu ứng “tâm lý đám đông” rất hiệu quả. Tất nhiên, hiệu ứng này chỉ được bảo toàn khi chất lượng đáp ứng yêu cầu.

Và, ông chủ Bảo Phương thủng thẳng khi được hỏi về bí quyết thành công: “Làm ăn phải cốt thật thà và đừng tham lam quá. Mèo nhỏ bắt chuột nhỏ thôi”!

Chất lượng + trách nhiệành công

Xuất thân từ một bác sĩ chuyên khoa ở Bệnh viện 108, ông Nguyễn Công Suất không bao giờ nghĩ có ngày mình lại trở thành “vua gấc”, lại càng không ngờ sản phẩm dầu gấc và viên nang gấc của ông là 1 trong 4 đại diện sản phẩm Việt Nam được công nhận là sản phẩm thực phẩm của ASEAN.

Chia sẻ về con đường kinh doanh, ông Suất vẫn tự nhận mình là người không biết kinh doanh, bởi hầu hết thời gian ông dành cho nghiên cứu về gấc. Chỉ khác với các nhà khoa học khác, ông cứ trăn trở với kết quả nghiên cứu của mình, tìm cách tận dụng những giá trị tuyệt vời của gấc (vừa có công dụng chữa bệnh, vừa có thể bồi bổ sức khỏe) để chữa trị cho đồng đội và bà con nhân dân, đặc biệt là những người nhiễm chất độc dioxin ở chiến trường.

Nghĩ sao làm vậy, năm 2011, ông vay mượn được một ít vốn lập Công ty Chế biến dầu thực vật và thực phẩm Việt Nam (VNPOFOOD). Lúc đầu cũng gặp muôn vàn khó khăn, các nước không có máy móc chế biến gấc thành thuốc, vì thế, ông phải đặt hàng làm dây chuyền chế biến. Nguồn nguyên liệu không ổn định, hàng làm ra chưa bán được trong nước vì ít người biết đến công dụng của gấc...

Sau những chuyến đi dài khắp các hội chợ ở Âu, Á, Mỹ... tự mình mang sản phẩm, tờ rơi để giới thiệu cho khách hàng và bước đầu có những đơn hàng đi Mỹ. Dần dần, ông nhận thấy những sản phẩm thô hoặc viên nang sản xuất theo tiêu chuẩn Mỹ là quá to, khó tiêu thụ, nên ông quyết định đầu tư hơn cho bao bì, lấy thương hiệu Vinaga, sản xuất nhiều kích cỡ, phù hợp với nhiều thị trường khác nhau và đã được nhiều người quan tâm. Từ thành công ban đầu, ông bắt đầu nghĩ đến phát triển thị trường trong nước với hệ thống đại lý phân phối rộng khắp.

Chính ông cũng không ngờ chỉ sau 7 năm kể từ khi ra đời, tại Hội nghị Thực phẩm Đông Nam Á lần thứ 10, sản phẩm dầu gấc Vinaga đã được lựa chọn là sản phẩm tốt nhất các nước ASEAN (2007). Kể từ đó đến nay, sản phẩm này còn nhận được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế khác. Thành công lớn đã đến sau những ngày gian khó!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước