Tại sao các nhà hoạt động môi trường thường "phá hoại" tác phẩm của các nghệ sĩ lớn như Van Gogh?

Mai Linh (theo National Geographic)-Thứ năm, ngày 10/08/2023 13:47 GMT+7

Ảnh: Economictimes

VTV.vn - Các nhà hoạt động môi trường tấn công các tác phẩm nghệ thuật lớn nhằm thu hút mọi người chú ý đến vấn đề môi trường.

Kể từ tháng 5/2022, các nhà bảo vệ môi trường thuộc các nhóm như Just Stop Oil và Extinction Rebellion tại Mỹ đã sử dụng bánh, súp, sơn và keo để thu hút sự chú ý của khách tham quan bảo tàng nghệ thuật bằng cách “phá hoại” các tác phẩm tại đây. Thông điệp của họ trong những sự kiện này đều là: không nghệ thuật trên một hành tinh chết. Họ nói rằng họ không để tâm đến việc phá hoại nghệ thuật. Thay vào đó, họ muốn nâng cao nhận thức về tình trạng khẩn cấp khí hậu và thu hút thành viên mới. 

Thời gian gần đây, nhiệt độ của Trái Đất đã tăng lên mức rất cao, tháng 7 bắt đầu với tuần nóng kỷ lục từng được ghi nhận. Các đợt nắng nóng khiến các sinh vật biển chết hàng loạt. Các vụ cháy rừng cũng đang gia tăng, dẫn đến những cảnh báo chưa từng có về chất lượng không khí. Đất khô hạn do quá ít mưa hoặc bị rửa trôi khiến cho lương thực cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Shayok Mukhopadhyay, phát ngôn viên của Extinction Rebellion, cho biết: “Việc thu hút sự chú ý của mọi người về tình trạng khẩn cấp khí hậu nên là điều mà xã hội cần khen thưởng chứ không phải cố gắng trừng phạt”.

Những bảo tàng lớn như Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ và Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam trong những năm gần đây đã bị áp lực phải cắt giảm nguồn tài trợ mà họ nhận được từ các công ty nhiên liệu hóa thạch, những công ty góp phần lớn nhất vào ô nhiễm carbon toàn cầu. Mukhopadhyay nói: “Chức năng của nghệ thuật là để mọi người có thể hiểu được thế giới mà họ đang sống và phản ánh về thân phận con người, tuy nhiên nghệ thuật lớn lại không hoàn thành được chức năng này. Đó là lý do để chúng tôi có mặt trong viện bảo tàng, để nói với mọi người rằng chúng ta đang trong tình trạng khẩn cấp, và bây giờ là lúc để bạn đối mặt với tình trạng khẩn cấp đó”.

Tuy nhiên, các viện bảo tàng cho rằng những cuộc biểu tình này là những cuộc tấn công vào các tác phẩm nghệ thuật vô giá. Giám đốc Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia Kaywin Feldman cho biết trong một tuyên bố sau khi cuộc triển lãm “Vũ công nhí” bị ném sơn: “Chúng tôi kiên quyết tố cáo hành vi tấn công vật lý nhằm vào những tác phẩm nghệ thuật của chúng tôi”.

Favianna Rodriguez, nghệ sĩ và nhà hoạt động vì công lý khí hậu, cũng chia sẻ ý kiến của mình về vấn đề này. Cô hy vọng những người biểu tình có thể mang lại nhiều sự lạc quan và các giải pháp phù hợp hơn cho hành động của họ. Rodriguez nói: “Rất nhiều bảo tàng đang lưu giữ những thứ đã bị đánh cắp trong thời kỳ thuộc địa—những đồ vật rất giá trị, linh thiêng”.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước