Đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu, không lúc nào thiếu

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 17/03/2022 06:22 GMT+7

VTV.vn - Phiên chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa này đã diễn ra trong ngày 16/3. Nguồn cung và điều tiết giá xăng dầu là vấn đề được các đại biểu quan tâm.

Nguồn cung xăng dầu không lúc nào thiếu

Phiên chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa này đã diễn ra ngày 16/3. Phiên chất vấn được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Nhà Quốc hội, kết nối trực tuyến đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trong cả nước... để các đại biểu Quốc hội có thể chất vấn trực tuyến các thành viên Chính phủ.

Việc Ủy ban Thương vụ Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường đã cho thấy Quốc hội đang theo sát những vấn đề lớn của đất nước được người dân và doanh nghiệp hết sức quan tâm, qua đó giúp Chính phủ quản lý, điều hành hiệu quả hơn.

Trong nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương sáng 16/3, vấn đề điều hành giá và quản lý xăng dầu được cử tri rất quan tâm.

"Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp và khó dự báo, cùng với sự xung đột giữa Nga - Ukraine đã tác động đến tình hình tăng giá xăng dầu, kéo theo các yếu tố đầu vào đều tăng, xin Bộ trưởng cho biết Bộ đã có những giải pháp nào về trước mắt cũng như lâu dài?", ông Trần Quốc Tuấn, Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, đặt câu hỏi chất vấn.

Đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu, không lúc nào thiếu - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN)

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: "Chúng ta tiết biên độ giá tăng của thế giới là 40 - 60%, nhưng biên độ của chúng ta chỉ 29 - 40%, như vậy cao nhất của chúng ta cận dưới của thế giới. Như vậy, chúng ta đã nỗ lực cao, điều hành linh hoạt quỹ bình ổn, mặc dù số dư quỹ không còn lớn, nhưng đã cố gắng đưa ra mức hỗ trợ 500 - 1.500 đồng/lít xăng dầu. Vì thế, giá xăng dầu đã giảm và gần đây khi giá tăng phi mã như vậy, Bộ cũng đã nỗ lực cùng Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị quyết để kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét giảm thuế môi trường để góp phần giảm giá xăng dầu trong nước, giúp phục hồi kinh tế và không làm tăng chỉ số PCI".

Tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, ông Nguyễn Đại Thắng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên, đặt câu hỏi: "Đề nghị Bộ trưởng có giải pháp như thế nào trong thời gian tới để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu trong nước".

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định: "Tất cả những doanh nghiệp đầu mối có chức năng nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu phải nhập đủ sản lượng do nhà máy Nghi Sơn thiếu hụt để bảo đảm đủ nguồn thu trong nước. Với chỉ đạo quyết liệt này, đến giữa tháng 2 nguồn cung xăng dầu trong nước khẳng định đủ đáp ứng đến hết tháng 3. Như vậy, nguồn cung không lúc nào thiếu".

Với biên độ giá xăng dầu tăng cao, Bộ Công Thương cho biết đã cố gắng điều hành biên độ tăng trong nước ở mức có thể chấp nhận được, với công cụ ngoài quỹ bình ổn, là các loại thuế, phí, các chính sách an sinh.

Theo Bộ Tài chính, khi giá xăng RON92 thế giới ở mức 130 USD/thùng, các khoản thuế, phí được tính trên giá xăng gồm: thuế nhập khẩu chiếm 8%, thuế VAT 10%, chi phí định mức chiếm 6%, lợi nhuận định mức, trích quỹ bình ổn, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng. Tỷ lệ thuế/giá xăng dầu là 33,5%. Như vậy, với giá dầu thô 130 USD, giá cơ sở là 30.800 đồng/lít.

Lượng dự trữ xăng dầu của Việt Nam chỉ đáp ứng được 5 - 7 ngày

Một trong những nguồn cung quan trọng để đảm bảo trong những tình huống cấp bách chính là nguồn dự trữ lưu thông. Theo quy định, quốc gia có dự trữ quốc gia, còn doanh nghiệp có quy định về dự trữ, lưu thông 20 ngày. Tuy nhiên thực tế, lượng xăng dầu dự trữ hiện không lớn. Muốn ổn định phải nâng mức dự trữ lên, thậm chí là hàng chục lần so với hiện nay. Tuy nhiên hiện nay đang có sự nhập nhằng giữa 2 nguồn dự trữ của nhà nước và doanh nghiệp, trong khi ngân sách vẫn phải chi trả cho các doanh nghiệp đầu mối để dự trữ xăng dầu.

"Theo quy định tại Nghị định số 95 năm 2021 về kinh doanh xăng dầu, thương nhân đầu mối xăng dầu phải đảm bảo ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc, tối thiểu bằng 20 ngày cung ứng, đề nghị Bộ trưởng cho biết các thương nhân đầu mối xăng dầu đã thực hiện dự trữ theo quy định hay chưa?", ông Trình Lam Sinh, Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: "Chúng ta có dự trữ nhưng lượng dự trữ rất ít, chỉ đáp ứng được nhu cầu trong 5 - 7 ngày và quỹ này chỉ được sử dụng trong tình huống đặc biệt. Chúng tôi sẽ cùng các Bộ ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu để nâng mức dự trữ lên".

Sau phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu người đứng đầu ngành Công Thương giải trình thêm về vấn đề dự trữ xăng dầu.

"Quốc gia có dự trữ quốc gia về xăng dầu. Theo Nghị định 83 trước đây, lúc nào các đầu mối xăng dầu cũng phải có dự trữ về lưu thông ít nhất là 20 ngày. Các đại biểu muốn Bộ Công Thương làm rõ việc khi chúng ta đi kiểm tra các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có dự trữ lưu thông đúng với quy định của pháp luật không? Nhất là những đầu mối này vừa làm dự trữ lưu thông, vừa làm dự trữ quốc gia. Như vậy, các thương nhân đầu mối này có lẫn lộn giữa dự trữ quốc gia và với dự trữ lưu thông của doanh nghiệp hay không?" Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề.

Trả lời vấn đề được Chủ tịch Quốc hội đưa ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, về xăng dầu dự trữ quốc gia, do hiện chúng ta chưa có hệ thống kho riêng nên đang giao việc dự trữ này cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đầu mối. Đây là cơ chế bất hợp lý. Bộ đã và đang có lộ trình để trình cấp có thẩm quyền xem xét, thiết kế lại mô hình quản lý quỹ này.

Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ phương thức quản lý giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, nhưng có sự kiểm soát, điều tiết của Nhà nước để bảo đảm ổn định vĩ mô, không để mặt hàng xăng dầu ảnh hưởng tới sản xuất, an sinh xã hội.

Đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu, không lúc nào thiếu - Ảnh 2.

Nguồn cung và điều tiết giá xăng dầu là vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Chính phủ đã ban hành nhiều quy định, nghị định và hiện có đầy đủ công cụ pháp lý để quản lý chặt chẽ mặt hàng này trên cả 3 lĩnh vực: sản xuất, nhập khẩu và phân phối.

Phiên chất vấn ngày 16/3 đã đi vào những vấn đề thời sự được người dân quan tâm, thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại hạn chế để sớm có giải pháp khắc phục.

Phiên chất vấn cho thấy, dù quản lý xăng dầu là vấn đề nóng, được người dân và doanh nghiệp rất quan tâm, nhưng các đại biểu Quốc hội đã thực hiện được quyền giám sát của mình và không làm khó các thành viên Chính phủ, mà góp phần giúp Chính phủ giải quyết được những vấn đề khó hiện nay.

Mức giá xăng dầu trong nước hiện thấp hơn nhiều so với giá của nhiều nước. Tuy nhiên khi quỹ bình ổn sắp hết, công cụ nào sẽ được thay thế để điều tiết giá mặt hàng này?

Cơ chế dự trữ xăng dầu quốc gia chưa có hệ thống kho riêng nên giao cho doanh nghiệp đầu mối dẫn tới nhiều bất cập. Cần điều chỉnh như thế nào?

Những thắc mắc trên sẽ được giải đáp trong chương trình Vấn đề hôm nay (16/3), với sư tham gia của ông Phạm Văn Hòa, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, và TS. Vũ Đình Ánh, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường - Giá cả. Mời quý vị theo dõi video trên!

Sẽ đẩy mạnh nhập khẩu xăng dầu bù đắp thiếu hụt Sẽ đẩy mạnh nhập khẩu xăng dầu bù đắp thiếu hụt

VTV.vn - Nhiều giải pháp được đưa ra đảm bảo nguồn cung xăng dầu, trước mắt sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhập khẩu bù vào thiếu hụt nguồn cung và kiểm soát chặt chẽ tình hình kinh doanh.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước