Đề án tái cơ cấu: Phù hợp nhưng cần có giải pháp đúng

Trần Hiền - Đặng Tú-Thứ tư, ngày 27/02/2013 17:18 GMT+7

Ảnh minh họa

[] Năm ngày trước đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế. Theo các chuyên gia kinh kế, đề án ra đời phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh hiện nay, tuy nhiên lại đang đặt ra cho các nhà quản lý về những giải pháp thực hiện.

Theo các chuyên gia, ba nội dung cần tái cơ cấu đã nêu trong đề án, muốn đạt hiệu quả tốt cần đi kèm với một số cơ chế, quan trọng hơn là lộ trình sẽ thực hiện như thế nào trong năm 2013, bởi đây cũng là thời điểm quyết định kết quả thực hiện của giai đoạn 2011-2015.

Theo đề án ba lĩnh vực được quan tâm tái cơ cấu gồm: Đầu tư công, tài chính - ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước. Theo chuyên gia Trần Đình Thiên, để đạt hiệu quả cần giải quyết thêm một số lĩnh vực khác không đề cập trong đề án, nhưng lại đang diễn ra trên thực tế. “Đó là vấn đề đất đai. Có lẽ trong nền kinh tế, nguồn lực quan trọng nhất là đất đai, phải giải quyết vấn đề đất đai theo tinh thần thị trường, còn cứ loanh quanh mãi thì sẽ phải trả giá rất đắt”.

Cũng theo ông Thiên, quá trình tái cơ cấu cần kinh phí để thực hiện, trong khi thực tế lại đang khó khăn, vì thế thu hút nguồn lực từ xã hội là rất quan trọng. Muốn làm được, cần tạo lòng tin bằng những quyết định đột phá. Để có đột phá, cần thực hiện minh bạch trong cơ chế phân cấp.

Thực hiện đề án tái cấu trúc kinh tế tức là hướng mục tiêu đến phát triển dài hạn, trong khi nguồn kinh phí lại hạn hẹp, vì thế các chuyên gia cho rằng, sẽ phải cắt giảm mục tiêu phát triển trước mắt. Theo dự kiến, đáng lẽ đề án được thực hiện cách đây 2 năm, tuy nhiên, nó vừa được phê duyệt cách đây 5 ngày. Nếu tiếp tục chần chừ sẽ lỡ mất cơ hội của giai đoạn 2011- 2015.

Ông Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng: “Đúng ra đề án tái cơ cấu được thông qua trước kỳ Đại hội lần thứ XI, tức là vào năm 2011 thì sẽ rút ngắn được thời gian thực hiện và có thể xứ lý ngay được những khiếm khuyết của nền kinh tế”.

TS.Nguyễn Đức Thành, GĐ Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách, trường ĐHQGHN kiến nghị: “Đây không phải là thời gian bàn quá nhiều về quan điểm nữa, mà phải thể hiện rõ ràng bằng các biện pháp chính sách. Tôi không thấy rõ vai trò khu vực kinh tế nhà nước hay khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và 5 năm hay 10 năm nữa”.

Đến thời điểm này, đề án tái cấu trúc kinh tế vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có tính tổng thể nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, thời điểm hoàn thành đề án chậm hơn với thực tế phát triển của xã hội, điều này cũng sẽ đặt ra cho các nhà quản lý khởi động và thực hiện đề án như thế nào cho có hiệu quả.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước