Doanh nghiệp lữ hành băn khoăn vấn đề cảnh sát du lịch

Trọng Ninh-Thứ hai, ngày 24/06/2013 17:12 GMT+7

 Một trong những giải pháp được đưa ra để giải quyết tình trạng chèo kéo, cướp giật khách du lịch được đưa ra là sự xuất hiện của cảnh sát du lịch. Tuy nhiên, vấn đề này còn gây nhiều băn khoăn trong giới doanh nghiệp lữ hành.

Tình trạng chèo kéo, cướp giật, bắt chẹt khách du lịch đang diễn ra phổ biến và không có sự kiểm soát triệt để nào. Hiện nay, tình trạng này được ví von như một “đám khói độc” gây hại cho nền công nghiệp không khói của nước ta.

1-2 triệu USD là con số mỗi năm Nhà nước phải bỏ ra để chi cho các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, nhưng những gì đang diễn ra đã vô tình làm cho hình ảnh du lịch bị méo mó trong con mắt du khách. Các doanh nghiệp lữ hành cũng đang "phát sốt" với những tệ nạn được ví như những "đám khói" trong ngành công nghiệp không khói đang lan rộng gây thất thu cho họ.

‘ Ảnh: VTV News

Trong tình cảnh "nước sôi lửa bỏng", đề xuất thành lập lực lượng cảnh sát du lịch của một số địa phương được ví như những chiếc xe cứu hỏa có thể dập tắt những đám khói. Đồng thời, giải nguy cho vấn đề an ninh trật tự trong ngành du lịch đang bị dư luận công kích.

Ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty Truyền thông Du lịch Việt cho biết: "Trước nạn chèo kéo khách du lịch đáng báo động như hiện nay, các ngành chức năng nhiều khi bất lực. Việc thành lập lực lượng cảnh sát du lịch, theo tôi là hoàn toàn cần thiết. Điều này giúp cho môi trường kinh doanh du lịch được cải thiện tốt hơn và các công ty lữ hành cảm thấy an tâm”

Tuy nhiên, ông Long cũng như nhiều doanh nghiệp lữ hành ở TP.HCM còn khá băn khoăn với một số vấn đề gắn kết hoạt động an ninh với ngành kinh tế đặc thù này.

“Thứ nhất, với số lượng khách khổng lồ, phạm vi hoạt động rộng lớn khắp nơi, liệu rằng số lượng cảnh sát du lịch có đủ để đáp ứng với nhu cầu này hay không? Thứ hai, với đặc thù chuyên môn của ngành du lịch là kiến thức lịch sử văn hóa sâu rộng, khả năng giao tiếp tốt bằng nhiều ngoại ngữ, vậy cảnh sát du lịch ngoài khả năng bảo vệ an ninh cho du khách có thực sự kiêm thêm được tố chất đó không” - Ông Trần Văn Long nói.

Các chuyên gia du lịch cho rằng, việc góp mặt của cảnh sát du lịch không thể giải quyết được tận gốc những bất cập bởi theo họ, nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng du khách bị bắt chẹt, bị xâm hại là do khâu quản lý ở địa phương chưa tốt. Hơn nữa, việc thành lập lực lượng này liệu có đáp ứng đúng những tiêu chí đặt ra hay không.

Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM cho rằng: “Cảnh sát du lịch không chỉ trấn áp tội phạm mà còn là hình ảnh đẹp, thân thiện để đem lại sự an tâm cho du khách”.

Bà Khánh cũng cho hay, tại một số nước như Thái Lan, Malaysia, Campuchia hay Singapore, cảnh sát du lịch ngoài việc tham gia xử lý kịp thời những hành vi xâm phạm tới tài sản và tính mạng du khách, họ đồng thời tạo dựng được hình ảnh du lịch đất nước, tạo được sự an tâm, thoải mái cho khách.

Ông Nguyễn Thành Rum, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP.HCM cho biết: “Chúng ta cần phải đào tạo lực lượng cảnh sát du lịch này bên cạnh những kiến thức nghiệp vụ công an cần có kiến thức đặc thù để làm nhiệm vụ đặc biệt của mình”.

Vấn đề được dư luận quan tâm đặc biệt hiện nay đó là sự góp mặt của cảnh sát du lịch trong hoạt động kinh doanh đặc thù này liệu có loại trừ được tận gốc những bất cập liên quan đến nhiều lĩnh vực trong xã hội, chứ không riêng gì ngành du lịch. Một cuộc “giải phẫu” các vấn đề an ninh, trật tự xã hội đang được dư luận chờ đợi, trước khi có sự nhập cuộc của cảnh sát du lịch.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước