Đảm bảo cung cấp đủ nguồn vốn tín dụng, tuyệt đối không để ách tắc, chậm trễ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Đây là những chỉ đạo quan trọng vừa được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong Công điện số 18 về điều hành tăng trưởng tín dụng. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương rà soát toàn diện kết quả cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế, từng ngành, từng lĩnh vực; để có thể có những biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng, lãi suất sao cho hiệu quả nhất.
Sở dĩ người đứng đầu Chính phủ liên tục đưa ra các chỉ đạo đốc thúc bởi tính đến ngày 21/2 vừa qua, tín dụng đã giảm khoảng 1% so với cuối năm 2023. Nguyên nhân một phần bởi nhu cầu vốn đầu năm thường yếu hơn so với cuối năm. Tuy nhiên, năm 2024 là năm tăng tốc, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025). Vì thế, cần phải có những giải pháp khơi thông tín dụng. Hiện các Ngân hàng Thương mại cũng đang nỗ lực tìm kiếm các doanh nghiệp có nhu cầu vốn để cho vay.
Các Ngân hàng Thương mại đang nỗ lực tìm kiếm các doanh nghiệp có nhu cầu vốn để cho vay
Nhà máy sản xuất xe đạp đang bắt đầu chuẩn bị hàng cho mùa cao điểm, dự kiến sẽ đến trong khoảng 2 tháng nữa. Sản lượng sản xuất đã tăng khoảng 20%, nên nhu cầu vốn của họ cũng tăng tương ứng để nhập nguyên liệu đầu vào.
Ông Trần Thành Trung - Kế toán trưởng, Công ty Cổ phần Thống nhất Hà Nội cho biết: "Lãi suất ngân hàng, cho vay đang thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 2%. Để đảm bảo sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cũng phải tìm cách tiết kiệm chi phí. Với việc Chính phủ chỉ đạo quyết liệt như giai đoạn vừa rồi, doanh nghiệp chúng tôi hi vọng việc cạnh tranh lãi suất sẽ dẫn đến lãi suất thời gian tới sẽ giảm xuống".
Mặc dù tín dụng trong hai tháng đầu năm tăng trưởng âm, nhưng các chuyên gia nhận định, khi sản xuất quay lại, thì nhu cầu vốn sẽ dần phục hồi. Lúc đó, những ngân hàng có ưu đãi tốt, sẽ thu hút được sự quan tâm của doanh nghiệp.
Khi lướt qua trang web của các Ngân hàng Thương mại thì không khó để tìm thấy các chương trình ưu đãi tín dụng, từ cho vay mua nhà, cho vay tiêu dùng cho đến sản xuất. Như ngân hàng PVCombank dành riêng 12.000 tỷ đồng dành cho các khách hàng từ cá nhân đến doanh nghiệp. Điều này cho thấy các ngân hàng đã chuẩn bị một lượng vốn dồi dào để cung ứng cho nền kinh tế."
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp PVCombank chia sẻ: "Chúng tôi có hai nhóm đối tượng có chương trình tín dụng rất cụ thể. Với nhóm khách hàng cá nhân thì tổng hạn mức lên đến 10.000 tỷ với mức lãi suất ưu đãi xấp xỉ 6% đối với khách hàng. Còn đối với khách hàng doanh nghiệp cũng có gói 2.000 tỷ phục vụ cho các nhóm xuất nhập khẩu với mức lãi suất thấp nhất từ trước đến nay, khoảng 7,5%/năm. Đến thời điểm này, riêng đối với khách hàng xuất nhập khẩu đã giải ngân được 500 trên 2000 tỷ hạn mức".
Ngân hàng Vietcombank cũng dành hơn 160.000 tỷ đồng cho vay lãi suất thấp trong ngắn hạn với doanh nghiệp tư nhân, cá nhân sản xuất kinh doanh, với mức sàn chỉ từ 4,8%/năm. Những khách hàng cá nhân, tổ chức vay tiêu dùng, mua ô tô, nhà ở... cũng có ưu đãi riêng khi vay trung và dài hạn.
"Vietcombank đã áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp khác nhau, từ giảm lãi suất huy động cho đến tiết giảm chi phí hoạt động để có thể giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, đặc biệt các khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên, theo chỉ đạo của Chính phủ các khách hàng là doanh nghiệp SME, hộ kinh doanh thực hiện vay để sản xuất kinh doanh. Có thể nói, mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức thấp trong nhiều năm vừa qua" - ông Lê Quang Vinh - Phó Tổng giám đốc Vietcombank nhận định.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 1 năm nay, lãi suất cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các Ngân hàng Thương mại tiếp tục giảm thêm 0,25%/năm so với cuối năm 2023.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!