Không để dự án chờ vật liệu

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 24/03/2023 21:30 GMT+7

VTV.vn - Xác định không được lùi tiến độ các dự án, Chính phủ yêu cầu các địa phương lên ngay phương án cung ứng nguồn vật liệu, tránh tình trạng dự án chờ vật liệu.

Đơn giản hóa thủ tục, kịp thời cấp phép trở lại, đặc biệt các địa phương cần chủ động tăng công suất các mỏ cát đang hoạt động, mở lại các mỏ đang tạm thời đóng cửa nhằm đảm bảo cung cấp cho các công trình trọng điểm và các tuyến cao tốc… Đây là chỉ đạo của Chính phủ với các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Để đạt mục tiêu có ít nhất 4 dự án cao tốc đồng loạt triển khai từ nay đến năm 2025, ĐBSCL cần đến khoảng 47 triệu m3 cát. Đây là con số quá lớn trong bối cảnh trữ lượng các mỏ tài nguyên còn hạn hẹp.

Dự án tuyến tránh thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, với chiều dài 15 km, sau hơn 1 năm thi công, đến nay những hạng mục chính đã cơ bản hoàn thành. Hơn 1,5 triệu m3 cát đã được địa phương kịp thời cung cấp để đắp nền, giúp dự án rút ngắn thời gian thi công khoảng 5 tháng.

"Rút ngắn thời gian từ 17 tháng xuống 12 tháng, song song đó, nhờ nguồn cát đảm bảo, hỗ trợ quan tâm của tỉnh, nguồn cát về đầy đủ, không phải chờ do thiếu cát", ông Nguyễn Ngọc Trác, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, Bộ Giao thông Vận tải, cho biết.

Không để dự án chờ vật liệu - Ảnh 1.

Để đạt mục tiêu có ít nhất 4 dự án cao tốc đồng loạt triển khai từ nay đến năm 2025, ĐBSCL cần đến khoảng 47 triệu m3 cát. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Trái ngược với dự án tuyến tránh Long Xuyên, cách đó 60 km, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Hậu Giang thi công vẫn tiếp tục đình trệ. Nguyên nhân chính là chưa có nguồn cung cấp cát cho dự án.

Theo đại diện chủ đầu tư, ngay sau khi có cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, các địa phương đã huy động thêm các nguồn cát cho dự án. Theo đó, tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt gần 400.000 m3, tỉnh An Giang xem xét cung cấp 1,1 triệu m3. Tuy nhiên khối lượng này vẫn quá ít so với nhu cầu. Chỉ riêng năm nay đoạn dự án Cần Thơ - Cà Mau đã cần khoảng 10 triệu m3 cát đắp nền.

"Cái này chỉ đáp ứng được 15% so với tiến độ, hiện ban quản lý đang tiếp tục làm việc với các địa phương để tìm nguồn cát khác để bổ sung thêm", ông Bùi Quốc Quân, Giám đốc Dự án Cần Thơ - Hậu Giang, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, cho hay.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, trong tháng 3 này, các ban quản lý, nhà thầu phải lên biểu đồ nhu cầu vật liệu theo tiến độ dự án từ nay đến năm 2024. Trên cơ sở đó, cuối tháng 4, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện thủ tục cấp phép mỏ vật liệu san lấp; đồng thời nâng gấp rưỡi công suất các mỏ cát đang khai thác để cung cấp toàn bộ cho công trình trọng điểm đường cao tốc Bắc - Nam.

Tăng kiểm soát để cát đến đúng các dự án trọng điểm

Đến thời điểm này, khu vực ĐBSCL đã cấp 66 giấy phép khai thác cát với công suất khoảng 15 triệu m3/năm. Tuy nhiên, do cung cầu nguồn cát đang có nguy cơ mất cân đối gây tăng giá ở một số khu vực ĐBSCL, nên ngoài việc tăng cung còn phải kiểm soát nguồn cát theo hướng công khai, minh bạch. Nhiều địa phương đã chủ động thành lập các tổ kiểm soát liên ngành và đẩy mạnh áp dụng các giải pháp công nghệ để kiểm soát nguồn cát trên các tuyến sông.

Dọc sông Hậu, nhiều camera đã được lắp đặt giúp kiểm soát các hoạt động từ khai thác, vận chuyển đến tiêu thụ cát suốt ngày đêm. Nhờ đó, ý thức của các chủ mỏ, người điều khiển phương tiện được nâng lên rõ rệt

Tỉnh An Giang thành lập tổ kiểm soát khoáng sản liên ngành, trong đó tập trung vào cát. Ba lực lượng: công an, thuế Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh sẽ cùng nhau phòng, chống tội phạm và kiểm soát các hoạt động liên quan lĩnh vực tài nguyên, môi trường trên đường thủy nội địa. Nhiều vụ việc vi phạm đã được xử lý.

Trữ lượng cát san lấp hiện chỉ còn khoảng 37 triệu m3, đáp ứng khoảng 77% nhu cầu xây dựng các dự án hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL. Chính vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu cần tính toán lại hệ số sử dụng cát ở từng dự án, khu vực, để các địa phương lập kế hoạch khai thác cát một cách hợp lý, hiệu quả.

Hiện khu vực ĐBSCL đang triển khai đầu tư 8 dự án cao tốc và 5 dự án nâng cấp mở rộng, xây mới các quốc lộ và cầu trên quốc lộ, với tổng mức đầu tư hơn 112.000 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2026, toàn khu vực ĐBSCL sẽ có khoảng 554 km đường cao tốc.

Đẩy nhanh tiến độ 3 dự án giao thông trọng điểm Đẩy nhanh tiến độ 3 dự án giao thông trọng điểm

VTV.vn - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tầm quan trọng của 3 dự án giao thông trọng điểm và yêu cầu đẩy nhanh tiến độ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước